Thời công nghệ thông tin, dễ dàng gọi điện thoại hoặc chỉ cần nhấp chuột gửi email hay tin nhắn qua các trang mạng xã hội là có thể thông tin liên lạc ngay với người ở xa. Trong khi đó, hoạt động bưu chính đảm nhận việc nhận chuyển thư chưa kịp đổi mới nên ngày càng bất cập.
Những thùng thư không có thư
Hiện nay việc gửi thư qua đường bưu chính chỉ còn được những cư dân ở vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận internet sử dụng, hoặc những người hoài cổ thích viết và nhận thư như thời xưa. Còn ở các đô thị, cư dân chỉ gửi thư qua bưu chính với những trường hợp cần gửi giấy tờ, bằng cấp hay văn bản gốc. Thế nhưng, thỉnh thoảng đường dây nóng Báo SGGP lại nhận được phản ánh của bạn đọc về việc bị mất thư, hoặc thư đi quá chậm khi gửi qua đường bưu chính.
PV đã thử quan sát, tìm hiểu việc gửi và lấy thư ở một số thùng thư công cộng trên địa bàn TPHCM. Nhiều thùng thư không còn ai bỏ thư, tuy vậy vẫn có ghi nhận ngành bưu chính đã không bỏ bê, các thùng thư này vẫn được sơn lại cho mới. Nhưng như vậy chưa đủ. Thùng thư công cộng góc đường Lý Thường Kiệt - Thành Mỹ (quận Tân Bình) được sơn lại, nhưng phía bên dưới thùng vẫn có lỗ thủng rất to. Đút những ngón tay vào, dễ dàng khều lấy ra được nếu có thư nằm bên trong. Mặc dù thùng thư niêm yết giờ lấy thư là 7 giờ 30 hàng ngày, nhưng đến đây canh vài ngày trong thời gian 1 giờ trước và sau 7 giờ 30, nhưng vẫn không thấy bưu tá đến mở thùng lấy thư. Chú Năm, sửa xe gần chỗ này, cho biết: “Thùng thư đứng đó lâu lắm rồi tui chẳng thấy ai đến đây bỏ thư vào thùng thư. Cũng lâu lắm mới thấy nhân viên bưu tá ghé qua mở thùng thư, nhưng cũng không có thư nào để lấy đi”. Quan sát thùng thư trước cổng UBND phường Phú Trung (đường Âu Cơ, quận Tân Phú), PV cũng ghi nhận tình trạng “ế ẩm” như vậy. Canh vài ngày vào khoảng 1 giờ trước và sau giờ lấy thư, để gặp nhân viên bưu tá, nhưng chúng tôi không thấy ai.
Cũng không phải là tất cả các thùng thư công cộng tại các quận nội thành TPHCM không nhận được thư, nhưng rất ít ỏi. Người chạy xe ôm thường đậu xe đón khách bên thùng thư ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) cho biết: “Khoảng vài ngày mới có người đến lấy thư. Cũng có khi có người đến gửi thư vào thùng thư nhưng rất hiếm hoi. Bây giờ có điện thoại và email rồi, ai gửi thư viết tay chi cho mệt và lâu mới tới”. Thùng thư này trông nhếch nhác do bị nhiều thông tin quảng cáo dán lên. Ngay cả các thùng thư đặt ngay trước các bưu điện quận cũng rất hiếm thấy có người đến gửi thư.
Cần thay đổi quy chuẩn kỹ thuật
Bạn đọc Trần Thị Thanh Hương (ở quận Bình Thạnh) kể: “Thời công nghệ thông tin, chỉ cần nhấp chuột gửi email là lập tức bên kia nhận được ngay. Nhưng cũng có khi tôi thích giao tiếp với người thân bằng thư hay bưu thiếp gửi qua đường bưu chính, vì người thân đã tự tay nắn nót dòng chữ viết cho mình. Phải mất nhiều ngày thư mới đến nơi, tạo cảm giác ngóng trông, hồi hộp và thật xúc động khi thấy nét chữ người thân gửi gắm tình cảm thân thương. Tuy nhiên, hoạt động bưu chính ngày càng trở nên lạc hậu, bất cập với tình hình mới. Tết vừa rồi, con trai tôi ở Pháp gửi thư viết tay và thiệp chúc mừng năm mới về cho gia đình, nhưng thư về TPHCM thì bị đánh dấu là sai địa chỉ, rồi gửi trả về lại Pháp. Mãi đến tháng 5-2014, lá thư mới được gửi lại lần nữa và tôi nhận được, thư cũng ghi đúng địa chỉ như lần trước. Sau đó, tôi khiếu nại thì bưu điện có phản hồi rằng do thư gửi thường, không có đảm bảo, đã xảy ra sơ suất chuyển nhầm đến Bưu điện quận Tân Bình, rồi dẫn đến sai sót của bưu tá. Chẳng lẽ phải gửi thư đảm bảo thì mới đến tay người nhận?”. Bạn đọc Lê Hoài Ân (ở quận Tân Bình) cũng phản ánh rằng gửi thư tại thùng thư công cộng thường bị mất, khi ông ra bưu điện thắc mắc thì được cho biết do thư thường không có đảm bảo nên bưu điện không chịu trách nhiệm.
Qua phản ánh của PV Báo SGGP, ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Giám đốc Bưu điện TPHCM, cho biết: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích có quy định về hoạt động của thùng thư công cộng, nên Bưu điện TPHCM đã lắp đặt đủ số lượng thùng thư tại 323 phường - xã trên toàn địa bàn. Tần suất thu gom thư ở các thùng thư tối thiểu 1 lần/ngày (không kể thứ bảy, chủ nhật, lễ tết) theo giờ niêm yết trên thùng thư do bưu tá khu vực chịu trách nhiệm thu gom. Qua khảo sát về lượng thư gửi qua các thùng thư công cộng, cho thấy hiện nay còn rất ít người gửi thư - do thông tin được trao đổi bằng các phương tiện thay thế khác nhanh và tiện dụng như thư điện tử, điện thoại không dây… Bưu điện Việt Nam đã có phương án đề xuất Bộ TT-TT thay đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phù hợp với tình hình phát triển mới”.
Theo nhiều bạn đọc góp ý, để duy trì có hiệu quả hoạt động bưu chính, ngành cần phải khắc phục được tình trạng thư đi chậm, thư bị thất lạc; nên có các hình thức đại lý nhận viết và scan hình ảnh, gửi email, đồng thời tiếp nhận email in ra chuyển đến tận nhà cho cư dân vùng sâu vùng xa, như vậy sẽ giúp cư dân vùng chưa tiếp cận internet có thể liên lạc thuận tiện và nhanh chóng với người thân ở xa.
THANH HẢI