Cà Mau cải cách hành chính: Hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tỉnh Cà Mau xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác CCHC được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau quan tâm, chỉ đạo thường xuyên; phát huy có hiệu quả những mặt tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế, qua đó, phục vụ và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Người dân đến làm hồ sơ, thủ tục tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau
Người dân đến làm hồ sơ, thủ tục tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau

Nhiều dấu ấn 

Thời gian qua, công tác CCHC của tỉnh Cà Mau đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình là việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh năm 2016. Trung tâm này đã góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước. Hiện Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính Cà Mau thực hiện tiếp nhận và trả kết quả cho 22 đơn vị cấp tỉnh với hơn 1.570 thủ tục. Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với 83 thủ tục hành chính chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện (lĩnh vực tài nguyên - môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh). 

Bên cạnh đó, Cà Mau có nhiều điểm nhấn và sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đã tạo những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Cụ thể như: triển khai thí điểm quản lý ô tô công tập trung; thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính “phi địa giới hành chính”; liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính… Ông Nguyễn Văn Hữu (phường 4, TP Cà Mau) cho biết, do tính chất công việc nên ông hay đến cơ quan nhà nước liên hệ làm các hồ sơ, giấy tờ. Khi làm hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, ông Hữu cho biết: “Tôi thấy khá thoải mái vì cán bộ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ tận tình, làm việc bài bản. Khi hồ sơ đầy đủ thì tiếp nhận và ra giấy hẹn. Khi hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn rõ ràng, không phải lên xuống nhiều lần”. 

Theo UBND tỉnh Cà Mau, công tác CCHC của tỉnh giai đoạn 2011-2020 đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, hệ thống pháp lý dần được hoàn thiện và có tính khả thi; CCHC thật sự trở thành khâu đột phá của tỉnh với hơn 1.000 thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian hoặc đơn giản hóa quy trình giải quyết; tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn đạt trên 98%; tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị được sắp xếp tinh gọn, phù họp và hiệu quả hơn; nhiều cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tốt việc đổi mới cơ chế tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước... 

Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn còn một số hạn chế như tiến độ tham mưu văn bản quy phạm pháp luật của một số đơn vị còn chậm, chất lượng chưa cao; còn trường hợp thái độ phục vụ chưa tốt, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đạt yêu cầu, tinh gọn bộ máy chưa thật sự gắn với tinh giản biên chế; một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước chưa sâu rộng...

Hướng đến người dân, doanh nghiệp

Tại hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; thảo luận giải pháp cải thiện chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, PCI của tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, mục tiêu cuối cùng của CCHC là phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Vì vậy, cần có sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp, cùng với chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Các cơ quan nhà nước của tỉnh phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận thông tin, có thêm nguồn lực để phát triển. Trên cơ sở đó, ông Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện và TP Cà Mau đề cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC. Phải có tư duy đổi mới, mạnh dạn trước những vấn đề thực tiễn đặt ra; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; triển khai công tác CCHC một cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn. Thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong lề lối, thái độ công chức tại bộ phận một cửa. Xây dựng hình ảnh, đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân. Quan tâm hơn nữa chất lượng lao động, tăng cường kết nối giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm tăng nguồn lực cho cả hai phía, tận dụng tốt những cơ hội ở địa phương, trong và ngoài nước để phát triển kinh tế. 

Ông Huỳnh Quốc Việt cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, truyền thông trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, chính quyền số theo kế hoạch đề ra. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền CCHC trên tất cả các lĩnh vực bằng nhiều giải pháp phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, chân thực, khách quan kết quả thực hiện CCHC. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá chỉ số CCHC trong các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện và TP Cà Mau. Xác định chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.

Theo công bố từ Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, chỉ số CCHC năm 2021 của tỉnh Cà Mau xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ 7 khu vực ĐBSCL; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh Cà Mau xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ 3 khu vực ĐBSCL.

Theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Cà Mau, trọng tâm CCHC trong 10 năm tới là tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao; phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức trên mọi lĩnh vực. Phấn đấu đến năm 2025, chỉ số CCHC của tỉnh Cà Mau thuộc nhóm 25; đến năm 2030, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CCHC. 

Tin cùng chuyên mục