Cá mè một lứa

Cá mè một lứa

Xem trên kênh truyền hình Discovery thấy các nhà thủy sinh học Mỹ dùng chiếc ca nô máy lớn chạy băng băng trên dòng sông hoang vắng. Họ không dạo chơi, cũng không nghiên cứu. Họ dùng cung tên tiêu diệt một loài thủy sinh mà họ gọi là cá chép châu Á. Loài cá đã được họ kết luận là động vật ngoại lai ăn hết mồi làm biến đổi cơ cấu loài trên sông ngòi nước Mỹ. Nhìn kỹ thì thấy con “cá chép” ấy chính là cá mè. Nhìn kỹ nữa thì thấy ba bộ cung tên có kỹ thuật bắn “hoàn hảo” mười phát trượt chín. Phát còn lại trúng vây đuôi con cá mè to nhất. Nó cũng vùng thoát khỏi mũi tên lòng thòng sợi dây. Ba bộ cung tên và tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường không đủ để làm một cuộc chiến với hàng ngàn con cá mè. Hóa ra không phải chỉ có dân mình ghét bỏ cá mè.

Cá mè cùng những loại rau trái để chế biến món canh cá mè. Ảnh: Đ.T. Quảng Ngãi

Cá mè cùng những loại rau trái để chế biến món canh cá mè. Ảnh: Đ.T. Quảng Ngãi

Cá mè ăn nổi và tạp. Chúng nuốt toàn bộ những vật thể hữu cơ có trên mặt nước làm cho những trắm chép ăn sâu thường bị mất mồi chậm lớn. Thế nhưng đã có một thời gian dài khi còn chiến tranh bao cấp chính cá mè là thực phẩm quan trọng của dân thành phố. Đã nói đến cá nước ngọt bán ở mậu dịch bằng tem phiếu là nói đến duy nhất một loại cá mè. Chưa bao giờ có cá rô, trê, trắm, chép, chuối, trôi, chày… Ngày ấy, trên tất cả các hồ ao nội ngoại thành Hà Nội đều thả nuôi cá mè. Cá giống hớt bọt trứng ngoài sông Hồng, sông Đuống mang về ươm thành cá bột. Không có kỹ thuật cho cá đẻ như bây giờ. Cá mè chóng lớn, nuôi một năm trong hồ là bắt lên đem bán. Chưa con cá nào kịp có trứng. Ăn cá mè hàng mấy chục năm liền dân phố không bao giờ thấy trứng.

Có rất nhiều món ăn được chế biến từ cá mè nhưng quen thuộc nhất thì chỉ nấu riêu cá mè cà chua, giấm bỗng có thể tạm gọi là món ngon ở Hà Nội. Món gỏi cá mè đặc sắc nhất phải xuống Thái Bình mới có. Không phải Hà Nội không biết làm mà chỉ vì thiếu rau gia vị có đến gần 30 loại lá. Trẻ con Hà Nội những năm ấy có cách câu trộm cá mè rất đặc biệt. Dùng lưỡi câu ba tiêu, một ống bơ cước và đoạn cần trúc ngắn cơ động. Quăng và giật theo luồng cá nổi. Có ngày nhấc lên bờ hàng chục cân cá mè. Cán bộ nông lâm đuổi là ném cả bộ đồ câu xuống hồ. Mặt thỗng thễnh như người vô can.

Lứa trẻ quăng ba tiêu bắt cá mè ngày ấy ở Hà Nội bây giờ cũng đã “khụ khị” đứng hít thở khí trời bên hồ Hoàn Kiếm mà nhớ lại một thời. Người ta đã cấm thả cá mè và cho cá ăn ở vài hồ nước trong thành phố. Giờ thì mè trắng, mè hoa ê hề ngoài chợ không phải mua bằng phiếu nữa nhưng cũng hiếm người mặn mà. Người làm ăn buôn bán nhỏ rất kiêng kỵ ăn cá mè. Nhiều người còn kiêng hơn cả thịt chó.

Ngoài việc mê tín dị đoan ra người ta còn cho rằng đẳng cấp của hạng người nào đó thì mới ăn cá mè. Không bao giờ có món cá mè trên mâm cỗ Hà Nội. Lớp người giàu có, sang trọng ngại ngần sợ đồng hạng “cá mè một lứa” với lớp dưới bần hàn dốt nát? Thành ngữ dân gian Cá mè một lứa có xa rời định hướng không nhỉ? Thế nhưng, vẫn có thành ngữ dân gian khác nói về độ ngon của cá mè. Đầu trôi môi mè. Ngày nắng tháng bảy ra chợ xách về chiếc đầu cá mè hoa to bằng cái quạt giấy nấu nồi riêu dấm bỗng ngào ngạt thơm. Nước mắm tỏi ớt giấm lan man cay mắt. Tỉ mẩn ngồi chẻ từng ngọn rau muống ngâm vào nước muối nhạt xoăn tít. Rượu trắng vùng Chương Xá - Hưng Yên rót ra đổ mồ hôi quanh miệng chén như mày ngô lấp lánh. Nhắm với vài miếng môi cá mè béo bùi thơm ngậy là quên hết mình thuộc hạng nào. Vả lại, thành ngữ mà dân thể thao quốc tế chẳng bảo “Phong độ nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” là gì. Vài miếng môi cá mè nấu riêu chưa thể làm lung lay đẳng cấp của bất cứ ai.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục