
Trong khi dòng nhạc teen pop đang thống lĩnh phần lớn thị trường âm nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh, thì điều nghịch lý là các ca sĩ teen lại “lận đận” trong con đường tìm ra chỗ đứng cho mình.
Thuận lợi...
Nói ca sĩ teen gặp khó khăn thì cũng không hẳn. Bởi, họ có nhiều hậu thuẫn, nhiều lợi thế hơn so với các thế hệ đàn anh, đàn chị.
Hậu thuẫn đầu tiên chính là sự bùng nổ chia sẻ âm nhạc trên mạng. Internet giúp ca sĩ dễ tiếp cận với khán giả. Họ có điều kiện chia sẻ với khán giả những sản phẩm âm nhạc chưa thật hoàn chỉnh, tiếp thu ý kiến phản hồi nhằm chỉnh sửa cho đến khi thật hoàn chỉnh mới tung ra thị trường.
Thuận lợi nữa chính là nguồn ca khúc dồi dào từ đội ngũ nhạc sĩ trẻ, từ chuyên đến không chuyên. Ca sĩ có thể tiếp cận nhạc sĩ dễ hơn, nhanh hơn.
Đôi khi, chỉ cần qua cuộc trò chuyện trên mạng, gởi cho nhau bản demo, và thậm chí ký mua tác quyền trên mạng. Một bài hát có thể “xào nấu” cùng lúc bởi 4 - 5 ca sĩ, trong khi tiền tác quyền chỉ vỏn vẹn một chầu café.
Với những ca sĩ “teen” mong muốn đi tắt bằng cách ghi điểm qua việc “cover” những ca khúc nước ngoài, số tiền để mua tác quyền chỉ vài trăm ngàn đồng.
...Và gian nan tìm sự nổi tiếng

Ca sĩ Noo Phước Thịnh được đánh giá là một giọng ca tiềm năng.
Thế nhưng, internet cũng là con dao hai lưỡi. Những ca sĩ teen muốn nhanh chóng tiếp cận khán giả và mau nổi tiếng, thường sẵn sàng hào phóng chia sẻ hầu hết bài hát từ đĩa nhạc đầu tay của mình trên mạng, ngay cả khi nó chưa được chính thức phát hành. Lợi bất cập hại, ca sĩ được biết đến nhiều, nhưng doanh thu đĩa khi phát hành lại gần bằng con số 0. Do đó, nhiều ca sĩ xác định việc ra album chỉ là hình thức, chẳng cần đầu tư nhiều.
Thay vì PR cho album trên các phương tiện truyền thông, ca sĩ lại chọn cách chia sẻ trên mạng. Những album của các ca sĩ “teen” như D.H.N., N.P.T. hay Đ.N. đều đi theo con đường này.
Vấn nạn khác đối với nhóm ca sĩ này chính là tình trạng “cover”. Điều này có thể mang đến sự nổi tiếng cho ca sĩ nhưng cũng đồng thời để lại nhiều tai tiếng. Còn nhớ phản ứng kịch liệt của cộng đồng mạng trước việc cô ca sĩ B.T. cover một ca khúc nổi tiếng của Australia. Dù cơ quan bán tác quyền đã lên tiếng minh oan cho cô, đồng thời nghệ sĩ nước ngoài cũng từ chối kiện tụng, những lời miệt thị kèm theo phê bình “đầy bạo lực” dành cho B.T. vẫn tràn ngập trên các diễn đàn âm nhạc.
Vì phải tự đầu tư cho dự án âm nhạc bản thân, các ca sĩ teen khó đáp ứng nổi giá đưa ra từ các nhạc sĩ nổi tiếng mà đành thử thời vận với các nhạc sĩ ngang lứa. Đôi khi, do tuổi nghề còn ít cùng với việc bội thực “nhạc sĩ trẻ”, một số ca sĩ lại tìm nhầm người. Điển hình như nhóm nhạc 2B đã vấp phải nhiều trách móc của cộng đồng mạng khi biểu diễn ca khúc “Đánh mất” của nhạc sĩ T.A., được cho là sao chép từ giai điệu đến lời bài hát “Em” của nhạc sĩ mạng Mr. Siro. Kẻ đạo nhạc thì ung dung lấy tiền bán bản quyền, trong khi ca sĩ lại phải hứng chịu sự tẩy chay của người yêu nhạc.
Định hướng cho ca sĩ trẻ
Đáng thương hơn là đáng trách, khi các sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ teen bị săm soi quá kỹ lưỡng bởi người yêu nhạc, luôn bị so sánh với các sản phẩm đàn anh đàn chị trong khi tuổi nghề họ còn ít, kinh nghiệm chưa đủ.
Ca sĩ teen đại diện cho thế hệ ca sĩ tương lai, sẽ đại diện cho bộ mặt âm nhạc Việt Nam với bạn bè thế giới. Các ca sĩ teen hội tụ đủ các yếu tố: trẻ trung, năng động, nắm bắt tốt thị hiếu âm nhạc cũng như luôn biết cách làm mới bản thân. Tuy vậy, họ vẫn còn thiếu một điều: sự định hướng.
Thế nên, cần có sự tư vấn cũng như định hướng nhằm giúp thế hệ ca sĩ trẻ này phát triển tài năng cũng như cảm thụ nghệ thuật đúng hướng.
Cần có một tấm lòng từ người yêu nhạc cho đến các phương tiện truyền thông trong việc giúp các em hoàn thiện sản phẩm âm nhạc của mình, góp phần làm phong phú nền âm nhạc Việt Nam.
DUNG TỔ NHI