Tại cảng Thiên Tân ở thành phố cùng tên phía Bắc Trung Quốc, cần cẩu container tự động và phương tiện vận tải không người lái đang bận rộn vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa. Việc ứng dụng một loạt công nghệ như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), lái xe tự động và điện toán đám mây đã giúp biến đổi cảng Thiên Tân thành bến cảng thông minh đầu tiên trên thế giới không phát thải carbon. Bến container thông minh Thiên Tân có vốn đầu tư khoảng 731 triệu USD.
Ông Yang Jiemin, Phó Chủ tịch tập đoàn cảng Thiên Tân, cho biết, kinh phí xây cảng thông minh tương đương kinh phí xây cảng truyền thống, nhưng đem lại hiệu quả cao hơn. Theo đó, cảng thông minh giúp tăng hiệu suất vận hành của cần trục đơn lên hơn 40% và giảm chi phí lao động tới 60%. Theo ông Chu Bin, Chủ tịch tập đoàn cảng Thiên Tân, doanh nghiệp đặt mục tiêu trở thành cảng “xanh” và thông minh để giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của cụm thành phố Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc. Để giúp các thành phố của Trung Quốc tăng kết nối thương mại, cảng Thiên Tân đã triển khai các dịch vụ vận tải liên phương thức (đường sắt-đường biển). Các tuyến vận chuyển có thể tiếp cận hơn 500 cảng tại hơn 180 quốc gia và khu vực.
Trong thập niên qua, sản lượng container tại cảng Thiên Tân đã tăng từ 13 triệu TEU (đơn vị đo lường sức chứa hàng hóa) lên 22 triệu TEU, khiến nơi đây trở thành một trong 10 cảng container bận rộn nhất thế giới. Cảng Ninh Ba - Chu San ở tỉnh Chiết Giang, cảng nhộn nhịp nhất thế giới về lượng hàng hóa thông quan, cũng đang thúc đẩy làn sóng xây dựng cảng thông minh. Dự án khu vực cảng Meishan giai đoạn 2 đã nâng công suất xếp dỡ container tại bến container Meidong của cảng lên 10 triệu TEU.
Tính đến cuối năm 2023, cảng này khai thác hơn 250 tuyến vận tải container quốc tế. Việc xây dựng bến container thông minh cũng đã đưa cảng Nhật Chiếu ở tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc trở thành cảng trẻ nhất thế giới có sản lượng hàng hóa thông quan hàng năm hơn 500 triệu tấn. Cảng Nhật Chiếu đi vào hoạt động năm 1986, có bến cảng thông minh chuyên bốc dỡ hàng hóa khô và bến container hoàn toàn tự động.
Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, nước này có 8 trong số 10 cảng bận rộn nhất thế giới về sản lượng hàng hóa và 7 trong số 10 cảng hàng đầu thế giới về sản lượng container. Ông Zheng Qingxiu, một quan chức của Bộ Giao thông vận tải, cho hay, hiện cả nước có 18 bến container tự động và 27 bến nữa đang được xây dựng hoặc cải tạo. Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu vận tải đường thủy Trung Quốc, ông Liu Zhanshan, nhận định, việc xây dựng cảng thông minh sẽ giúp đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu đồng thời thúc đẩy quá trình mở cửa cấp cao của nước này.
Thương mại hàng hóa của Trung Quốc đứng đầu thế giới trong 7 năm liên tiếp. Cảng là công cụ hỗ trợ chính cho tăng trưởng kinh tế và kết nối số lượng lớn các nhà xuất khẩu với nhiều thị trường, đóng vai trò quan trọng đối với sức sống và khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc.