Các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), tại TPHCM đã có nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông. 
Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã gặp ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM, tìm hiểu về giải pháp kéo giảm TNGT tại TPHCM.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tình hình TNGT trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua đã có chuyển biến khả quan chưa?
Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình TNGT trên địa bàn TPHCM đã giảm cả về 3 mặt: số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương. Đây chính là nỗ lực đáng ghi nhận, là thành tích chung của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân TP trong việc thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống TNGT và ùn tắc. 
* Các hoạt động Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT có ý nghĩa như thế nào?
- Ban ATGT TPHCM đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có người thân bị mất do TNGT trên địa bàn TPHCM; phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM tổ chức lễ tưởng niệm và cầu siêu nạn nhân tử vong do TNGT. Mới đây, Ban ATGT TPHCM đã tặng nhà tình thương cho gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT. Có gia đình cả cha và mẹ đều tử vong vì TNGT; có gia đình người con trai duy nhất tử vong do TNGT đường thủy. Đau xót lắm!
Các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông ảnh 1
Các hoạt động trên nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, được Liên hiệp quốc phát động. Mục đích nhằm chia sẻ những mất mát của các gia đình có người thân tử vong do TNGT, đồng thời tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật giao thông.
* TNGT có giảm, tuy nhiên, vẫn chưa căn cơ. Ban ATGT TPHCM có giải pháp nào để kéo giảm TNGT trong thời gian tới?
- Giải pháp nâng cao ý thức người tham gia giao thông là trọng tâm và đang được thực hiện qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục. Công tác tuyên truyền phải đến tận cơ sở phường, xã, thị trấn, đến các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao, và chú trọng hơn vào các dịp lễ tết. Chúng tôi đã đề xuất thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác. Cụ thể như: phát triển và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; kiểm tra các điểm đen về TNGT để khắc phục kịp thời thiếu sót; tăng cường tuần tra và chốt chặn trên nhiều tuyến đường trọng điểm vào giờ cao điểm, kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Theo tôi, việc xử phạt nguội, xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông rất hiệu quả, góp phần đắc lực cho việc giám sát hành vi sai phạm của người tham gia giao thông. Từ đó tạo chuyển biến về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân.

Tin cùng chuyên mục