Các nhà lập pháp Châu Âu bác dự luật tùy chọn cây trồng biến đổi gien

Với số phiếu áp đảo 47/3, Ủy ban Môi trường của Quốc hội Châu Âu ngày 13-10 đã bác một dự luật cho các nước thành viên EU quyền chọn nhập khẩu hoặc không các cây trồng biến đổi gien (GMO) đã được EU chấp thuận cho trồng.
Các nhà lập pháp Châu Âu bác dự luật tùy chọn cây trồng biến đổi gien

Với số phiếu áp đảo 47/3, Ủy ban Môi trường của Quốc hội Châu Âu ngày 13-10 đã bác một dự luật cho các nước thành viên EU quyền chọn nhập khẩu hoặc không các cây trồng biến đổi gien (GMO) đã được EU chấp thuận cho trồng.

Theo Ủy ban, dự luật này không khả thi và sẽ dẫn đến việc tái kiểm soát biên giới giữa các nước chấp thuận và phản đối GMO. Sự kiểm soát như vậy sẽ vi phạm nghiêm trọng quy tắc một thị trường thống nhất để đảm bảo một sân chơi bình đẳng trên toàn EU.

Cho đến nay, bắp MON810 là cây trồng GMO duy nhất được cấp phép trồng ở EU. Ảnh: Shutterstock

Reuters dẫn thông báo của Chủ tịch Ủy ban Môi trường Giovanni La Via cho biết: "Đa số thành viên Ủy ban không muốn gây nguy hiểm cho thị trường nội khối. Đối với chúng tôi, luật hiện hành vẫn hiệu quả và các quốc gia thành viên cần phải gánh vác trách nhiệm của mình và cùng đưa ra quyết định ở cấp EU, thay vì những lệnh cấm trong nước".

GMO gây nhiều tranh cãi ở EU và Quốc hội Châu Âu nói chung phản đối GMO với quan ngại lớn của công chúng về nguy cơ cho sức khỏe. Tuy nhiên một số nước thành viên tin rằng GMO là một phần thiết yếu của tương lai, đặc biệt cho nông nghiệp, là một công nghệ cần thiết để nuôi dân số ngày càng tăng.

Theo Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, dự luật trên được thiết kế để cung cấp cho các nước thành viên một cơ chế tùy chọn, theo đó những nước muốn trồng và nhập khẩu GMO có quyền làm như vậy, trong khi những nước không chấp thuận GMO có quyền cấm. Quốc hội Châu Âu sẽ bỏ phiếu về dự luật này vào ngày 28-10.

EC cho biết, tuần trước, 19 thành viên EU đã yêu cầu không đưa vào lãnh thổ của mình một giống bắp GMO của Monsanto là MON810, cây trồng GMO duy nhất được cấp phép trồng ở EU cho đến nay. Trong lúc đó, có khoảng 60 loại cây trồng GMO đã được cấp phép nhập khẩu vào EU để làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là các loại bắp và đậu nành.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục