Các nước có biện pháp mạnh với Triều Tiên

Trung Quốc thắt chặt an ninh tại biên giới với Triều Tiên trong khi Mỹ chuẩn bị thử nghiệm tên lửa đánh chặn tên lửa liên lục địa từ Triều Tiên. Đó là những bước đi mới nhất nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tên lửa của Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng tháng 4-2017
Tên lửa của Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng tháng 4-2017

Trung Quốc kiểm soát biên giới Triều Tiên

Theo AP, quan chức Mỹ cho biết họ ghi nhận “sự thay đổi lớn” từ Trung Quốc sau khi Washington đưa ra lời kêu gọi Bắc Kinh gây sức ép lên Bình Nhưỡng. AP cho biết Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton nói rằng Trung Quốc đã “tăng cường kiểm tra biên giới, tăng cường một số công tác kiểm soát biên giới, hải quan với Triều Tiên”. Bắc Kinh cũng đã thông báo ngăn chặn các công ty có giao dịch với Triều Tiên. Nhà ngoại giao Mỹ cho biết hành động này phản ánh nhận thức ngày càng tăng của Bắc Kinh về sự cần thiết phải gây áp lực lên Triều Tiên để nước này ngừng các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bà Thornton nói rằng Bắc Kinh còn nhận ra “sẽ rất khó đối thoại trong khi Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thornton tuyên bố rằng Mỹ, Trung Quốc và các bên khác đang thảo luận về một nghị quyết tương lai của Liên hiệp quốc (LHQ) về Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiến hành thêm một cuộc thử hạt nhân hoặc tên lửa. “Chúng tôi đang cố gắng có được các biện pháp tiếp theo thực hiện ngay sau khi có thêm hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng mà không mất thêm thời gian thảo luận”, bà nói và lưu ý rằng điều này có thể bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang khi được hỏi về lời phát biểu của bà Thornton vào hôm 26-5, cho biết Bắc Kinh vẫn cam kết “thực hiện nghiêm” các biện pháp trừng phạt của LHQ, nhưng từ chối giải thích thêm về bất kỳ biện pháp nào khác. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi của Bắc Kinh kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân 6 bên đã bị đóng băng từ năm 2009.

Sự chuẩn bị của Mỹ

Chuẩn bị cho mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên, Lầu Năm Góc đang khẩn trương hoàn thành thử nghiệm tên lửa đánh chặn tên lửa liên lục địa tầm xa. Mục tiêu là để mô phỏng chặt chẽ hơn một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều nhằm vào Mỹ. Theo Reuters, tên lửa đánh chặn của Mỹ sẽ được thử nghiệm vào ngày 30-5. Tên lửa này đã được thử nghiệm thành công 9 trong số 17 lần thử kể từ năm 1999. Cuộc kiểm tra gần đây nhất, vào tháng 6-2014, đã thành công, nhưng 3 lần trước đó thất bại. Hệ thống này tiêu tốn hàng tỷ USD kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan năm 1983 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Triều Tiên giờ trở thành trọng tâm của nỗ lực của Mỹ hoàn chỉnh tên lửa đánh chặn. Lầu Năm Góc có rất nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng chiếc được thiết kế với tiềm năng bắn hạ ICBM có lẽ là thách thức lớn nhất về công nghệ. Một máy bay đánh chặn sẽ bay từ căn cứ không quân Vandenberg ở California và bay lên hướng tới mục tiêu để phóng tên lửa đánh chặn. Nếu tất cả đều đúng theo kế hoạch, tên lửa đánh chặn sẽ rơi trúng vào đầu đạn mô phỏng mục tiêu ICBM trên Thái Bình Dương.

Hiện tại, có 32 máy bay chở tên lửa đánh chặn trong các xilô tại Fort Greely ở Alaska và 4 ở Vandenberg, phía Bắc Los Angeles. Lầu Năm Góc cho biết sẽ có thêm 8 chiếc, tổng cộng 44 chiếc, vào cuối năm nay.

Trong ngân sách năm 2018 trình Quốc hội trong tuần, Lầu Năm Góc đề nghị chi 7,9 tỷ USD cho việc phòng vệ tên lửa đánh chặn, trong đó 1,5 tỷ USD cho chương trình quốc phòng trên mặt đất. Các khoản khác bao gồm tên lửa Patriot được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hệ thống phòng thủ cao THAAD mà Mỹ đã lắp đặt ở Hàn Quốc để phòng chống tên lửa tầm trung của Triều Tiên.

Tin cùng chuyên mục