
Năm 2001, bộ phim tài liệu “Trở lại Ngư Thủy” của cố đạo diễn Lê Mạnh Thích đã làm người xem trào nước mắt. Sau cuốn phim nhiều cơ quan đơn vị đã giúp đỡ các o. Những túp lều tranh chụp trên cát được thay thế bằng những căn nhà tình nghĩa chắc chắn hơn, các o pháo thủ rưng rưng bước vào căn nhà mới. Hôm nay tôi về Ngư Thủy để chung vui với các o, nhưng nghe các o kể mà nước mắt cứ gạt mãi không thôi.
- Khát khao gia đình như cát hạn mong mưa rào

Các o Đại đội pháo binh Ngư Thủy những năm tháng cùng sát cánh chiến đấu. Ảnh Tư liệu.
Xã Ngư Thủy ngày trước nay được chia thành ba xã: Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam và Ngư Thủy Bắc. Trận địa của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy ngày trước đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa và nằm ở xã Ngư Thủy Trung. Năm 1967 thành lập Đại đội pháo Ngư Thủy, cả đơn vị lúc nào cũng có mặt 37 o. Trong quá trình phát triển, bổ sung quân số đến ngày giải thể đơn vị năm 1977, số quân của đại đội pháo lên 91 người, hiện nay 6 o đã mất, còn lại 85 o. O nào cũng đã sang tuổi làm bà, cuộc sống của các o có thể nói đã qua cơn khốn khó.
O Ngô Thị Thới, nguyên chính trị viên đại đội pháo binh Ngư Thủy, kể: “Lúc thành lập đơn vị các o pháo thủ có tuổi đôi mươi, lúc giải thể ai có người yêu trước khi vào đội thì cưới, ai không có thì “mồ côi” tới chừ, vì lúc giải thể các o đã qua tuổi ba mươi. Bây chừ có 5 o không chồng, trong số đó có 4 o không con, chỉ o Phường có đứa nhỏ học lớp 5 là kết quả của sự khao khát có người chăm sóc lúc tuổi già”.
Cuộc sống của o Phường nếu so với những vùng quê khác thì thuộc hàng khó, còn so với các o cùng đội pháo lại đỡ hơn. Trong gian nhà nhỏ, o Phường kể về cuộc đời thật truân chuyên của o. Từ ngày đơn vị giải thể, o lăn lộn đủ nghề. Ngư Thủy chỉ có hai thứ tài nguyên duy nhất: cát trắng và hạt dương. Mỗi ngày o lên động cát lượm hạt dương khô đi bán, ngày nào đắt hàng thu được 8.000 đồng, đến mùa lễ tết o lại tất bật đào cát trắng rồi vào chợ huyện bán cho bà con cắm hương. Mỗi năm thời gian chắp cho o thêm tuổi già mà khao khát hai tiếng gia đình.
O Phường kể: “Nhìn mấy o đàn chị có chồng con - mà da diết cảnh “mồ côi” chồng. O ước đứa con để tuổi già có nơi nương tựa. O phải kiếm đứa con, o làm rứa nhiều người chê trách. Cháu gái học lớp 5 là kết quả bước qua lời chê bai của dân làng. Lúc đầu người ta khó nhìn, bây chừ ai cũng cảm thông. Rứa là được rồi chú nờ, chừ có bốn o khác tội lắm, neo đơn mãi, quá tuổi rồi, mấy o nớ cứ một mình thui thủi, nhiều khi nhìn vô mà thấy nao lòng”. Mấy o đó gồm o Tất, o Biên, o Đa, o Huệ, mỗi người ở mỗi trảng cát dài tít tắp. Gặp tôi các o khóc thấm cát, đời các o mặn mòi như biển bãi ngang Ngư Thủy, khát khao có một mái ấm gia đình như cát hạn khát mưa rào.
- Cảnh nghèo phải tha hương
Người ta hay nói anh hùng thường có số phận kỳ lạ. Những o pháo thủ Ngư Thủy anh hùng cũng có số phận rất kỳ lạ nếu không nói là trớ trêu. Sinh ra đã lấm cát, lớn lên chiến đấu trong cát, khó nghèo đều từ cát, khó nghèo đến nỗi vất vưởng tha hương. Hôm nay đội pháo thủ Ngư Thủy có bốn o đi kiếm sống ở mãi tận Mũi Né (Bình Thuận). Bốn o mỗi năm vào Mũi Né đúng ba tháng mùa cá, xin những mớ cá lông hội mà bán. Người thương, kẻ hắt hủi nhưng các o vẫn nhẫn nại vì mỗi chuyến đi mỗi o cũng thu được 160 ngàn đồng về lo cuộc sống quê nhà.
Mùa cá vơi, các o lại về biển bãi ngang quê mình tiếp tục xin cá để bán. Mấy năm nay người dân Ngư Thủy chẳng có thuyền lớn đánh xa bờ nên cá bắt được ít nhưng họ cũng sớt cho các o một ít coi như góp phần giúp các o bớt khổ. O Trần Thị Sô ở Ngư Thủy Nam là một người có thâm niên xin cá ngót 7 năm. Trong căn nhà tình nghĩa, o kể: “O già, chẳng làm được việc nặng, chỉ còn cách ni là làm được: tới miền biển xin cá thừa rồi bán lại kiếm dăm ba hào trang trải cuộc sống”.
O Sô năm nay đã 62 tuổi nhưng nhìn khuôn mặt o ai cũng nghĩ đã qua 70, những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt, khó khăn chưa một ngày buông tha, chồng o Sô cũng đã già, chẳng làm được gì, từ ngày Ngư Thủy có con đường đất đỏ, chồng o ra sửa xe đạp nhưng khổ một nỗi không có tiền mua phụ tùng thay thế, chỉ nhận vá xe, còn ai muốn thay phụ tùng phải ứng trước tiền để lên huyện mua đồ về thay. Khổ thế nhưng o Sô lại cho “rứa vẫn hơn o Luyên”. O Nguyễn Thị Luyên 53 tuổi, chồng liệt nằm một chỗ mấy năm nay, kinh tế gia đình vốn nghèo nay càng khánh kiệt khi nhà chẳng có thu nhập mà thuốc thang cho chồng chi phí ngày càng lớn.
Nhìn o Luyên liêu xiêu dấp dúi trên cát đi xin cá mà những đứa con của o cứ nước mắt gạt mãi không vơi. Ngày nào may người ta cho khá, o bán được chục ngàn, cả nhà có cơm ăn. Nhà o cái ăn vẫn hoài đứt bữa, cơm vẫn độn nhiều sắn khoai. Cùng cảnh ngộ đi xin cá bán như o Sô, o Luyên còn có o Nguyễn Thị Tất, o Nguyễn Thị Sinh, o nào bây giờ nhìn vào cũng dáng người dúm dó, nét mặt khắc khổ, thế mà mấy chục năm trước các o chiến đấu như những anh hùng, bắn cháy tàu khu trục của Mỹ. Ngày đó các o chiến đấu đâu nghĩ gì đến chuyện là bộ đội hay dân quân mà dân quân thì đâu có chế độ sau giải ngũ.
Trong khi các o còn khó khăn thì người ta có dự án xây dựng tượng đài cho các o với tiền tỷ. Đề cập chuyện này, o Sô thở dài: “Xây tượng đài thì ai cũng mừng nhưng các o còn nghèo ri liệu xây lên có hợp?”. Không riêng gì o Sô mà cả đại đội pháo binh Ngư Thủy cũng không bằng lòng, vì cuộc sống của các o bây chừ khổ mà xây tượng đài là không thiết thực.
DƯƠNG MINH PHONG