Các trường đau đầu với “nợ” học phí

Trường nào khi rà soát công nợ hàng năm cũng tồn tại hàng tỷ đồng tiền học phí do sinh viên chưa đóng. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như cho gia hạn, cho học trước đóng tiền sau… nhưng vẫn rất khó để thu hồi. Trong khi đó, theo quy định thì nhiệm vụ của sinh viên là đóng học phí, bảo hiểm y tế đầy đủ, đúng thời hạn. 
Theo luật định, đóng học phí là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của sinh viên
Theo luật định, đóng học phí là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của sinh viên

Trường nào cũng bị “nợ”

Mới đây, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM rà soát công nợ và công bố danh sách gần 2.600 sinh viên nợ học phí khoảng 8 tỷ đồng. Trong đó, sinh viên các năm trước nợ khoảng 6 tỷ đồng và sinh viên khóa mới nợ khoảng 2 tỷ đồng. Trường buộc phải đưa ra khuyến cáo, nếu sinh viên không đóng học phí đúng hạn, có thể bị cấm thi cuối học kỳ 1. Trước đó, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ học tập 194 sinh viên, với lý do nợ học phí, trong đó có 35 sinh viên vừa làm vừa học. 

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính -  Marketing TPHCM, cho biết: Hiện nay, trường có khoảng 10% sinh viên nợ hoặc đóng học phí trễ hạn, ước tính khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng. Lý giải về nguyên nhân, ông Tuấn phân tích: sinh viên đăng ký môn học (tín chỉ) và có 1 - 2 tuần đóng học phí. Sau đó, trường sẽ ra danh sách lớp có tên sinh viên. Nếu sinh viên không đăng ký hoặc đăng ký mà không đóng học phí thì cũng không có tên trong danh sách lớp. Tuy nhiên, sinh viên khó khăn có làm đơn xin gia hạn thời gian đóng học phí, nên nhà trường vẫn cho có tên trong danh sách lớp. Đây là nguyên nhân khiến sinh viên vẫn được học nhưng chưa đóng học phí. Một nguyên nhân khác nữa là khi nhập học, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, làm đơn xác nhận và cam kết đóng học phí, nhà trường vẫn tạo điều kiện cho học. 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM, thông tin: Toàn tường có khoảng 10% sinh viên nợ học phí. Tuy nhiên, trường không quyết định đình chỉ, cấm thi, mà vẫn tạo điều kiện để các em học tập với cam kết hoàn thành học phí thì mới được ra trường, nhận bằng tốt nghiệp. Tương tự, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: Trường vẫn có một tỷ lệ sinh viên nhất định chây ỳ đóng học phí. Phần lớn trong số đó là tại thời điểm quy định gia đình chưa chuẩn bị kịp học phí, nhưng do có đơn xin gia hạn và có kế hoạch đóng học phí như cam kết, nên nhà trường vẫn tạo điều kiện.

Xử sao cho thấu tình đạt lý  

Theo Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy do Bộ GD-ĐT ban hành (Thông tư 10, ngày 5-4-2016), đóng học phí là một trong những nghĩa vụ bắt buộc. Tuy nhiên, ngoại trừ một số em có khó khăn thì có khá nhiều trường hợp sinh viên cố tình chây ỳ, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ học tập, nợ môn quá nhiều, buộc trường phải ra quyết định đình chỉ học tập. Tuy nhiên, trong Thông tư 10 lại không có quy định nào cho phép trường đình chỉ học tập, cấm thi với lý do “nợ hay không đóng học phí”. 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM ra khuyến cáo sẽ cấm thi hoặc buộc thôi học vì nợ học phí, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, cho biết: Tính đến nay, số sinh viên năm nhất khoảng vài trăm em gần như đã hoàn thành đóng học phí. Những  sinh viên nợ học phí còn lại là của các khóa trước, khoảng 2.000 sinh viên, phần lớn là hệ cao đẳng và đã bỏ học. Sinh viên nào chưa hoàn thành học phí thì sẽ không có tên trong danh sách thi, chứ nhà trường không ra quyết định cấm thi. Nếu có đình chỉ hay buộc thôi học thì cũng không phải vì lý do nợ học phí mà phải là do kết quả học tập, xử lý học vụ theo quy chế đào tạo tín chỉ.  

PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích: “Trong bối cảnh tự chủ, học phí cao quá mức so với thu nhập của nhiều phụ huynh. Cùng với đó, gia đình nhiều em rất hoàn cảnh, như đau bệnh đột xuất, làm ăn thua lỗ, ngân hàng không cho vay thêm. Các em phải cật lực làm thêm để đóng học phí và ảnh hưởng đến việc học là đương nhiên. Vì vậy, trong năm tới, trường sẽ tiên phong lập quỹ cho sinh viên khó khăn vay vốn không lãi suất để học tập. Khi nào các em hết khó khăn sẽ hoàn trả lại cho trường. Việc này sẽ giúp các em giải quyết những khó khăn về tài chính nhất thời, để không ảnh hưởng đến tiến độ học tập”. Đồng tình với cách làm trên, Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn cho biết nhà trường tạo mọi điều kiện cho các em được học, kể cả cam kết đóng học phí bằng nhiều cách. Trường cũng sẽ hợp tác với ngân hàng để hỗ trợ sinh viên vay tiền đóng học phí với thủ tục đơn giản nhất.

Tin cùng chuyên mục