Cách mạng Tháng Mười Nga - Bài ca chim báo bão

Vào những năm 1917 tháng mười nước Nga lạnh lẽo, hoang tàn và chết chóc. Những giá treo người lủng lẳng. Những dấu chân người bị đi đày dẫm lên tuyết. Tiếng xiềng xích loảng xoảng từ trong ngục tối. Tất cả tạo thành bức tranh mờ ảo. Máu đỏ bầm trời chiều. Màu máu những cuộc giết người cùng màu lửa trên các dòng sông, trên các thảo nguyên, trong các xưởng thợ thành tín hiệu, thành lời kêu gọi. Những hơi thở, những thổn thức tìm đến nhau, giác ngộ nhau, sáng lóa trên những trang sách, những tư tưởng chủ nghĩa Mác.
Cách mạng Tháng Mười Nga - Bài ca chim báo bão

Vào những năm 1917 tháng mười nước Nga lạnh lẽo, hoang tàn và chết chóc. Những giá treo người lủng lẳng. Những dấu chân người bị đi đày dẫm lên tuyết. Tiếng xiềng xích loảng xoảng từ trong ngục tối. Tất cả tạo thành bức tranh mờ ảo. Máu đỏ bầm trời chiều. Màu máu những cuộc giết người cùng màu lửa trên các dòng sông, trên các thảo nguyên, trong các xưởng thợ thành tín hiệu, thành lời kêu gọi. Những hơi thở, những thổn thức tìm đến nhau, giác ngộ nhau, sáng lóa trên những trang sách, những tư tưởng chủ nghĩa Mác.

Bìa sách tuyển chọn và giới thiệu 24 truyện ngắn tiêu biểu của Macxim Gorki, trong đó có Bài ca chim báo bão.

Bìa sách tuyển chọn và giới thiệu 24 truyện ngắn tiêu biểu của Macxim Gorki, trong đó có Bài ca chim báo bão.

Những con người mới hôm qua là người thợ, người đầy tớ, người làm thuê sống không mục đích, không tương lai, nay là những “đồng chí”, những giọt máu cách mạng, những người con của nước Nga. Họ sáng rực lên từ trí tuệ, từ tâm hồn, từ hội tụ để có một nhân loại mới ngày mai. Những bước chân, những ánh mắt, những nắm tay làm sáng rực trong đêm.

Họ từ những mầm, những hạt, những chắt chiu để có một phong trào, thành cây, thành rừng rộng khắp - và niềm tin - và bão tố: Những mắt buồn sắp nhắm/ Bừng dậy thấy tương lai/ Những bàn tay lại nắm/ Cờ đỏ qua đêm dài (Bài ca Tháng Mười - Tố Hữu).

Cuộc cách mạng sắp lay động trái đất, sắp làm lại lịch sử, làm lại số phận, đặt chỗ đứng cho con người đúng vị trí chủ nhân. Và ngọn cờ phía trước vẫy gọi với một cơ mưu sáng tạo, một giai cấp sáng suốt, một thiên tài sáng suốt vĩ đại - Vơ-la-di-mia I-lít Lê-nin.

Một cuộc đại cách mạng vĩ đại bắt đầu, từ một chiếc lều cỏ như tổ chim, nơi đây bốn mùa gió, ngoài kia sóng con sông vỗ ầm ào. Nơi đây đại bản doanh, đi về những năm tháng, nơi Lê-nin viết những trường ca Nhà nước và cách mạng. Tất cả đều là kiểu mới của một cuộc cách mạng chưa từng có trên trái đất này, kiểu mới của một lãnh tụ giai cấp công nhân và chưa hề có một giai cấp khác. Khi tiếng súng Cách mạng Tháng Mười nã vào dinh lũy cuối cùng của chế độ Sa hoàng cũng là lúc trái tim nhân loại hồi hộp, sung sướng, đợi chờ.

Đó là ngày vui tiếng súng Hồng quân rung mặt đất và vầng trán Lê-nin tỏa ánh sáng trong những đêm tấn công thì ngoài kia biển Hắc Hải trên một con tàu Pháp tham chiến, một người lính Việt Nam, người công nhân Việt Nam Tôn Đức Thắng kéo lên lá cờ như mặt trời chói lọi.

Từ trên đỉnh cột ngoài khơi lá cờ chào đón của một đất nước, một dân tộc từ phía Đông Nam châu Á hướng về Cách mạng Tháng Mười: Ngoài khơi vẫn bay cao phấp phới/ Lá cờ sáng rực ánh bình minh/ Lá cờ đỏ thắm tình nhân ái/ Lá cờ tha thiết gọi hòa bình (Bài thơ Hắc Hải - Nguyễn Đình Thi).

Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Lê-nin là ánh sáng mặt trời soi rọi lương tri thời đại. Người ta không chỉ mơ ước về nước Nga không có vua quan, không hạng người ô uế, không hạng người nô lệ lầm than mà còn tìm đến để nắm lấy cái bửu bối thực hiện con đường cách mạng cho dân tộc mình.

Đó là cái ngày Bác Hồ cầm trên tay bản Luận cương Lê-nin với một tình cảm cao cả thiêng liêng. Bác cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Bác vui mừng đến phát khóc lên với một xúc động: Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta là con đường giải phóng chúng ta (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin - Nguyễn Ái Quốc).

Sau Cách mạng Tháng Mười, bộ mặt mới lịch sử loài người bắt đầu hình thành những nét của cuộc chiến đấu để giành quyền sống, quyền độc lập, tự do và nhân phẩm con người. Con NGƯỜI nhân ái, cao thượng, chan hòa. Đó không là lời dự cảm mà là hiện thực của văn hào Gorki trong Bài ca chim báo bão viết trong Cách mạng Tháng Mười được vang lên… Nó sẽ có khắp trái đất và thiêu ra tro sự hằn học, căm thù và tàn ác đang làm cho chúng ta biến dạng đi, nó sẽ bao dung mọi trái tim duy nhất của nhân loại - trái tim những con người công bằng, cao quý, thành một gia đình hòa thuận, khắng khít những người lao động tự do.

Sau Cách mạng Tháng Mười, nhân loại đã thuộc về chúng ta, công bằng, đạo lý, sự sống thuộc về chúng ta vì đã có độc lập, tự do; những sự kiện cách mạng khắp trên mặt đất này những bằng chứng hùng hồn rất chân lý đều thuộc về con người: Từ khi Anh đứng dậy/ Trái đất bắt đầu cười/ Và loài người từ đấy/ Ca bài ca Tháng Mười (Bài ca Tháng Mười - Tố Hữu). 

Tháng 11-2012

Trúc Chi

Tin cùng chuyên mục