
Ách tắc trong đền bù giải tỏa, tái định cư cho dân; cải cách hành chính chậm; nước ngập triền miên… là những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập trong buổi thảo luận tổ ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VII.
Tái định cư: Có “ép” dân không?
“Không thể chấp nhận tình trạng người dân tạm cư đến 3, 4 cái Tết mà vẫn không có chỗ ở ổn định vì giải tỏa!”– ĐB Huỳnh Phước Điểm gay gắt. ĐB Nguyễn Thanh Dũng tiếp lời: Đã đến lúc chúng ta cần đổi khẩu hiệu “giải tỏa, đền bù, tái định cư” thành “tái định cư, đền bù, giải tỏa”.

Theo ông, điều quan trọng là phải an dân, nếu dân không an thì không thể phát triển. “Phải xem an dân là mục tiêu cần thiết, là vấn đề hết sức cấp bách, giống như chống dịch cúm gia cầm vậy, không thể chậm trễ hơn được nữa!” – ĐB Võ Văn Sen lên tiếng. “Quyền lợi của người dân phải đặt lên trên hết. Vậy mà thời gian qua ở nhiều dự án, dân buộc phải đi trong khi nhà nước chưa có nơi tái định cư. Như vậy có phải là “ép” dân không?” – ĐB Nguyễn Văn Bạch gay gắt hỏi.
ĐB Đặng Văn Khoa cho rằng: Chính quyền và nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến công tác tái định cư cho bà con trong diện giải tỏa. ĐB Phạm Minh Trí bổ sung: “Cái chính là giá đền bù quá thấp, không đủ cho bà con có thể thu xếp được nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ, nên nhiều trường hợp bà con không chịu di dời”.
Có không ít dự án, như chung cư 1Bis-1Kep Nguyễn Đình Chiểu; 289 Trần Hưng Đạo; 74 Hồ Hảo Hớn (đều của quận 1), kéo dài quá lâu là do “giá cả quá xa so thực tế”, công trình mang tính áp đặt từ trên xuống, trong khi đó, chính quyền không đưa những dự án đó ra dân bàn bạc, lấy ý kiến theo Quy chế dân chủ cơ sở.
Nước đục: “Ông cấp nước tự làm khổ mình”?
“Nước đục vì đâu? Tới giờ này chưa rõ nguyên nhân. Nghịch lý ở chỗ nước chỉ đục ở những đường ống mới lắp đặt, có ai phá hoại ngành cấp nước không hay là chính “ông cấp nước tự làm khổ mình” (ý nói về hoạt động của các “công ty gia đình”- PV) – đại biểu Huỳnh Phước Điểm, nói về ngành cấp nước.
Ông tiếp tục: Cần phải điều tra làm rõ, qui trách nhiệm cụ thể về một mối, một người, không thể cứ vài hôm lại nghe “súc xả”! Việc nóng bỏng thế này, đề nghị phải “tấn công” mạnh, không thể để hàng triệu người dân ở một thành phố lớn nhất nước phải chịu cảnh này!
ĐB Phạm Quí Cường nhấn tiếp: Mỗi lần súc xả mất bao nhiêu mét khối, tiền này ai chịu, phải minh bạch rõ ràng, không khéo thì người dân vừa dùng nước bẩn lại vừa trả tiền cho nước xả! ĐB Trần Văn Tạo thì nói… ông mừng hụt! 30 năm rồi bây giờ nước sạch mới về được Nhà Bè, nhưng mới chỉ nằm “co ro” trong ống dọc đường Huỳnh Tấn Phát, nhiều nhà ở sâu bên trong đã mua sẵn đồng hồ nước, vậy mà nước còn nằm ở… đường lớn!
“Trong khi đó, nước ngập không chờ mà đến. Ở ngoại thành cũng ngập! Phải xem lại công tác chống ngập thực hiện như thế nào!”. ĐB Nguyễn Thanh Dũng đồng tình: Chống ngập là “chuyện dài nhiều tập”. Tại sao vấn đề lớn như thế mà ngành giao thông công chính lại nói vì chờ vốn ODA? Nhiều đại biểu kiến nghị: TP nên ưu tiên ngân sách để giải quyết triệt để vấn đề này. Nếu chúng ta cứ chờ vốn nước ngoài sẽ đến lúc “quận thoát ngập, còn muốn đi huyện lại phải dùng … xuồng” !?
Cải cách hành chính: vẫn tiếp tục…chậm!
ĐB Trương Minh Nhựt nhấn mạnh: Thời gian xây dựng 1 dự án chỉ khoảng 1 - 1,5 năm, trong khi thời gian cho thủ tục pháp lý của một dự án đến hơn một năm, vì thế làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Nếu thủ tục hành chính nhiêu khê như thế thì những chỉ tiêu công trình mà thành phố đặt ra không những không thực hiện được mà gây lãng phí rất lớn.
Cụ thể như các chỉ tiêu 300.000 căn nhà cho người thu nhập thấp; xây dựng 400.000 chỗ ở cho sinh viên… rất khó thực hiện. ĐB Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị: Thành phố phải tập trung cải cách hành chính để tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông, giải pháp cụ thể là phải xây dựng cơ chế phối hợp trong xây dựng, xây dựng cơ chế đấu thầu để chống thất thoát. Trong phân cấp cho quận- huyện cũng vậy. ĐB Nguyễn Thành Rum nhấn mạnh: đã phân cấp phải đồng bộ, tập trung và thủ tục phải đơn giản!
Chẳng hạn như phân cấp quy hoạch chi tiết trong thời gian qua, đã phân cấp cho quận- huyện nhưng người được duyệt không phải là chủ tịch UBND quận- huyện mà phải lên Sở Quy hoạch Kiến trúc. Cơ chế chồng chéo như thế không những chậm mà còn… làm khổ nhau!
Nhóm PVCT