Cái giá của thỏa hiệp

Thỏa thuận cắt giảm ngân sách gần 39 tỷ USD trong năm tài chính 2011 giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đạt được vào tuần trước đang tạo cơn sóng ngầm trong các cử tri Mỹ từng bỏ phiếu cho Tổng thống Barack Obama.

Thỏa thuận cắt giảm ngân sách gần 39 tỷ USD trong năm tài chính 2011 giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đạt được vào tuần trước đang tạo cơn sóng ngầm trong các cử tri Mỹ từng bỏ phiếu cho Tổng thống Barack Obama.

Theo kế hoạch của Ủy ban đặc trách chi tiêu tại Hạ viện Mỹ, Cơ quan bảo vệ môi trường sẽ mất 1,6 tỷ USD ngân sách, giảm 16% so với năm 2010; các chương trình nông nghiệp bị cắt giảm 3 tỷ USD; dự án đường sắt cao tốc theo sáng kiến của Tổng thống Barack Obama sẽ bị mất 1,5 tỷ USD trong tổng số 8 tỷ USD. Và lần đầu tiên từ khi được thành lập cách đây chưa đầy 10 năm, Bộ An ninh nội địa của Mỹ cũng bị xén bớt 2% ngân sách so với năm 2010. Chuyện cắt giảm chi tiêu này sẽ dẫn đến hàng loạt hậu quả, mà rõ ràng nhất sẽ là tình trạng thất nghiệp gia tăng và giảm chất lượng chăm sóc y tế. Liên tục nhiều tuần qua, ngày càng có nhiều cuộc biểu tình kêu gọi cắt giảm chi tiêu vào các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, Trung Đông… để dồn tiền vào các chương trình kích thích kinh tế.

Các nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động tại Mỹ có cảm giác như bị Tổng thống Obama bỏ rơi vì đã nhân nhượng đảng Cộng hòa. Những nhóm theo khuynh hướng tự do từng đóng góp nhiều vào chiến thắng của ông Obama trong cuộc bầu cử năm 2008 quan ngại rằng các chương trình giúp tạo thêm việc làm sẽ gặp nhiều khó khăn và đe dọa sẽ tẩy chay cuộc bầu cử năm 2012.

Ông Deepak Bhargava, Giám đốc Trung tâm Thay đổi cộng đồng (một tổ chức giúp đỡ người nghèo của Mỹ), phát biểu trên báo Washington Post: “Vấn đề cốt lõi của nước Mỹ hiện nay là thất nghiệp, không phải là khủng hoảng thâm hụt ngân sách. Dường như Tổng thống đang chệch hướng”. Có lẽ Nhà Trắng đang ở vào tình trạng bất khả kháng. Họ trấn an cử tri rằng, cho dù cắt giảm chi tiêu, họ sẽ không để ảnh hưởng đến các chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có đầu tư vào giáo dục. Ngoài ra, nếu có cắt giảm các chương trình bảo hiểm y tế thì sẽ tăng thuế với người giàu và cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

Một nhóm theo khuynh hướng tự do mang tên MoveOn.org với 5 triệu thành viên, từng vận động ủng hộ ông Obama trong cuộc bầu cử 2008, đã gửi một e-mail khẩn tới các thành viên của nhóm để công kích thỏa hiệp cắt giảm ngân sách giữa ông Obama với đảng Cộng hòa. Một nhóm khác mang tên Ủy ban Vận động vì sự thay đổi tiến bộ cho biết hơn 60.000 thành viên của họ cam kết sẽ không tài trợ cho ông Obama trong cuộc bầu cử vào năm tới nếu ông cắt giảm chi tiêu trong các chương trình bảo hiểm y tế. Theo ông Dean Baker, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế Mỹ, rõ ràng là ông Obama đã “từ bỏ” quan điểm cho rằng gia tăng chi tiêu là cần thiết để kích thích nền kinh tế.  

Lo ngại đến khả năng ảnh hưởng đến phiếu bầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm tới, ông Obama đã cử cố vấn kỳ cựu David Plouffe đến gặp gỡ các nhóm cử tri từng ủng hộ để giải thích các bước đi của Nhà Trắng.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục