Tranh luận không ngừng
“Cái kết buồn quá cô ơi!”, “Kết phim không vui tí nào”, “Biết kết phim vậy không xem”, “Cái kết chẳng có hậu gì cả”… đó là hàng loạt những bình luận để lại trên Facebook cá nhân của diễn viên Dương Cẩm Lynh, người đảm nhận vai chính trong phim Tiệm ăn dì ghẻ. Trả lời bình luận của người hâm mộ, cô cũng cho biết: “Kết thúc phim không được như mong đợi. Đây cũng là phim đầu tiên tôi đóng mà cái kết thật bất ngờ”.
Cùng thời điểm, kết thúc bộ phim Cô gái nhà người ta cũng gây ra không ít tranh luận. Nếu 24 tập đầu tiên, diễn tiến câu chuyện đấu tranh giữa nhóm bạn trẻ đứng đầu là Khoa và bác Tài những tưởng đi vào ngõ cụt thì tập cuối, mọi thứ diễn ra quá chóng vánh. Nhưng, ngoài việc bác Tài ở cuối phim khi có ý định bỏ trốn bị công an đến bắt, các nhân vật khác từ chính diện đến phản diện, số phận của họ vẫn bị bỏ ngỏ. Trước đó, vào đầu tháng 3, kết thúc của bộ phim Sinh tử cũng gây ra tranh luận không ngớt. Bản án dành cho các nhân vật cuối cùng chỉ được xử lý thông qua lời dẫn truyện. Đa phần khán giả cho rằng, nếu 79 tập trước đó mạch phim đầy trúc trắc, lắt léo thì kết phim có phần chưng hửng.
Biên kịch Thanh Hương cho rằng: “Trước hết, tâm lý của đa phần khán giả Việt thích cái kết có hậu tức là cái ác, cái xấu phải bị trừng trị. Vô hình trung, nó khiến phim có phần xa rời thực tế vì ngoài đời, chưa chắc mọi thứ diễn ra như thế. Chúng ta không thể trách đội ngũ biên kịch vì đa phần đang chuộng chạy theo tâm lý xã hội. Tuy nhiên, điều đó khiến phim truyền hình chưa phản ánh được sinh động đời sống thực tế của cuộc sống, mọi tầng lớp trong xã hội”.
Ở góc độ một cây viết trẻ, biên kịch Mỹ Hà cho rằng: “Tôi quan sát thấy các nhân vật trong phim truyền hình hiện nay thường đa chiều hơn, sống động hơn, không chỉ có sự thiện - ác đơn thuần, cũng không còn những nhân vật quá ư hoàn hảo. Khán giả yêu thương nhân vật, dõi theo suốt hành trình của nhân vật. Nên nếu cái kết ấy, chiến thắng không thuộc về nhân vật họ yêu thích, họ sẽ tranh luận không ngừng”.
Trước đó, đạo diễn, NSƯT Mai Hiền - một trong hai đạo diễn phim Sinh tử cũng từng chia sẻ rằng, mỗi khán giả và nhóm khán giả có nhu cầu khác nhau. Họ có thể bằng lòng với tiến trình, kết cục của phim hoặc có thể đòi hỏi cao hơn. Nhưng ông tin kết thúc của bộ phim như vậy là hợp lý.
Bất ngờ, bám sát đời sống
Đặt câu hỏi: “Khán giả thường thích những cái kết có hậu. Vậy làm thế nào để vừa chiều lòng họ, vừa đảm bảo ý tưởng ban đầu của biên kịch, nhà sản xuất?”. Mỗi biên kịch có những cách lý giải khác nhau.
Theo biên kịch Mỹ Hà: “Một câu chuyện từ khi thai nghén đến khi lên màn ảnh nhỏ thật sự không đơn giản. Nó trải qua nhiều sự trao đổi để tìm được điểm chung tốt nhất cho câu chuyện. Mà điểm chung đó, tập thể làm phim đều thống nhất: đó là hướng về sự nhân văn. Và cái kết cũng nằm trong sự nhân văn này, nên đa phần không phải vì chiều lòng khán giả để tạo ra những cái kết có hậu”.
Biên kịch Thanh Hương cũng đưa ra lập luận của riêng mình. Theo chị, cái kết có hậu trở thành khuôn mẫu và làm nhiều thành ra nhàm chán. Một cái kết đẹp cần đảm bảo hai yếu tố: đủ logic, có lý và không mang tính áp đặt, nhưng đồng thời vẫn có cái gì đó làm khán giả hài lòng. “Tội ác sớm muộn bị trừng trị. Nhưng có những sự trừng trị mà lương tâm của họ bị cắn rứt, day dứt cả đời. Đó là nhiệm vụ của biên kịch. Nếu cứ làm theo mô típ có hậu mãi sẽ thành nhàm và đó là cái kết của nhà biên kịch chứ không phải của nhân vật, câu chuyện”.
Hiện nay, nhiều bộ phim chọn kết thúc mở để mở đường cho phần 2 hay phần ngoại truyện. Đơn cử như trường hợp của bộ phim Tiếng sét trong mưa, kết phim được biến tấu khác đi khá nhiều so với kịch bản gốc - vở cải lương Lôi Vũ. Đạo diễn Phương Điền cho biết, anh vẫn để ngỏ một số tình tiết vì muốn triển khai thêm ở phần 2, đang trong quá trình chuẩn bị. Tương tự, bộ phim đình đám Quỳnh búp bê cũng được tiết lộ sẽ có phần 2. Cả một đời ân oán sau cái kết gây tranh cãi, tập phim “ngoại truyện” đã giải quyết hầu hết những khúc mắc của người xem.
Theo biên kịch Thanh Hương, chị thích những cái kết mở, để lại tiếc nuối thay vì thỏa mãn khán giả. Chị lý giải: “Trước khi hình thành bộ phim, tôi thường phải thai nghén nó, chăm chút rất kỹ và tạo nên khung sườn. Trong quá trình phát triển sẽ có những thay đổi, nhưng quan trọng nhất không chệch khỏi định hướng ban đầu. Đã đến lúc các biên kịch cần phản ánh trung thực hơn thực tế xã hội tạo nên những cái kết bất ngờ hơn, đời hơn”.