Như tại Nhật Bản có giai đoạn trong vòng 15 năm, chiều cao của thanh thiếu niên tăng thêm 2,8cm (đối với nam) và 2,5cm đối với nữ. Chiều cao nam thanh niên Nhật Bản đạt được hiện tại là 171cm, nữ là 158cm. Tương tự, tại Hàn Quốc chiều cao trung bình nam thanh niên là 174cm, nữ 161cm. Như vậy, chiều cao của thanh niên Việt Nam còn khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.
Đó là lý do mà mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức phát động chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm phát động trong toàn dân phong trào giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kêu gọi toàn dân đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi: vệ sinh phòng bệnh; ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng; và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị.
Theo các chuyên gia, tăng chiều cao thì gen mang tính quyết định nhất. Nhưng để đạt được đến chiều cao tiềm năng do gen quy định thì yếu tố dinh dưỡng, vận động là hết sức quan trọng. Trong đó, bảo đảm dinh dưỡng, tăng cường thể lực, vệ sinh cá nhân cho trẻ em, học sinh sinh viên phải được quan tâm hàng đầu. Bởi thời gian học sinh ngồi trên ghế nhà trường là “giai đoạn vàng” để phát triển thể lực, trí tuệ. Tập trung nâng cao thể chất cho các em ngay từ giai đoạn này sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho thế hệ trẻ, đồng thời giúp các em vui tươi, hạnh phúc, giàu ý chí, khát vọng vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan tích cực triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận như bữa ăn học đường được quan tâm hơn; nhiều cơ sở giáo dục đã quan tâm lựa chọn một số môn thể thao để duy trì luyện tập thành phong trào... Tuy nhiên, con số hơn 70% cơ sở giáo dục phổ thông chưa có sân chơi, bãi tập thực sự là hạn chế rất lớn đối với giáo dục thể chất học đường. Nhiều trường học ở đô thị chật hẹp, không có không gian cho học sinh vận động nên việc cải thiện chiều cao, tăng cường thể lực cho học sinh chắc chắn bị ảnh hưởng.
Để bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực cho học sinh, sinh viên, trước hết cần đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm trong các nhà trường. Tổ chức bữa ăn học đường (đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học) cần bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, trong đó chương trình sữa học đường cần được triển khai hiệu quả, minh bạch để thu hút sự tham gia của hầu hết phụ huynh học sinh. Đã đến lúc phải tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng bữa ăn học đường cho học sinh, sinh viên thay vì chỉ hoàn toàn là đóng góp của phụ huynh như hiện nay. Bên cạnh đó, phải tổ chức tốt công tác giáo dục thể chất trong trường học, tạo sự hấp dẫn, hứng khởi hơn cho cả người dạy và người học. Cần duy trì tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ cho học sinh sinh viên, đảm bảo 100% học sinh tham gia luyện tập thường xuyên, hàng ngày. Tổ chức hiệu quả môn học giáo dục thể chất, đẩy mạnh việc thành lập, hoạt động các câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ bơi lội, võ cổ truyền trong nhà trường… Nếu toàn thể học sinh, sinh viên đều yêu thích tập thể dục thể thao, lựa chọn cho mình một môn thể thao đam mê thì chắc chắn, thể lực các em sẽ được cải thiện rất nhiều. Thể lực mạnh mẽ thì trí lực sẽ phát triển. Muốn thế, các thầy cô giáo cũng phải là những tấm gương trong tập luyện thể dục thể thao để học sinh noi theo.