Ngày 2-12, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới” tổ chức ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết trong năm 2015, Việt Nam sẽ ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn.
Đột phá hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp, năm 2014 là một năm khó khăn, đặc biệt là với sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, nhưng nhờ nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực “vươn lên trên nhiều mặt”. Trong năm 2015, Việt Nam sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn. Tỷ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định; lạm phát sẽ được chủ động điều hành để giữ ở mức 5%, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế (năm 2014, lạm phát dự kiến ở mức dưới 3%). Bội chi ngân sách năm 2015 sẽ được điều hành với mục tiêu giảm từ 5,3% xuống 5% GDP; nợ công không vượt trần cho phép; bảo đảm trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2014.
Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, coi đây là khâu đột phá. Mặt khác, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế. Ngoài việc thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, Việt Nam dự kiến sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) vào đầu năm 2015, tiếp đó sẽ là Hiệp định thương mại với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan; chuẩn bị kết thúc đàm phán với Hàn Quốc, đồng thời đang tích cực cùng 11 nước khác để đẩy mạnh đàm phán TPP với quyết tâm kết thúc sớm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông tin cho các nhà đầu tư: Việt Nam sẽ tích cực huy động các nguồn lực tư nhân và nước ngoài để đầu tư hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức PPP; huy động các nguồn lực xã hội để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh. Về cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng, để đảm bảo cho hệ thống này hoạt động hiệu quả, Chính phủ sẽ nỗ lực giảm nhanh nợ xấu xuống còn 3% vào đầu năm 2015.
Tín hiệu về một làn sóng đầu tư mới
Bà Wendy Werner, Giám đốc Bộ phận Thương mại và Cạnh tranh, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhấn mạnh: “Đã đến lúc Việt Nam vươn tới một giai đoạn phát triển mới, nhưng điều quan trọng là làm sao để tận dụng được cơ hội mà các hiệp định này mang lại”.
Còn bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch VBF khuyến nghị, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan đến cải cách thị trường tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại, cải cách doanh nghiệp nhà nước; phát triển lực lượng lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao… Bà Virginia Foote hoan nghênh việc Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã áp dụng cách tiếp cận mới, theo đó chuyển từ tư duy “chọn cho” sang “chọn bỏ” về các lĩnh vực cấm đầu tư...
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, tín hiệu về một làn sóng đầu tư mới từ cộng đồng kinh doanh cả trong và ngoài nước ngày càng rõ hơn. Ở diễn đàn lần này, doanh nghiệp tiếp tục đặt kỳ vọng vào cơ hội đầu tư - kinh doanh ở các hiệp định thương mại và sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng rào thuế quan trong ASEAN sẽ không còn, cơ hội chỉ biến thành thành quả thật sự khi Việt Nam tạo được sức hấp dẫn, cạnh tranh mới. Chương trình cải cách tư pháp nhằm tăng cường các thiết chế pháp lý, bảo đảm một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho người dân và doanh nghiệp cần được xúc tiến mạnh mẽ. Cần có một chương trình xã hội hóa rộng lớn để chuyển giao nhiều dịch vụ công cho xã hội và thị trường; tạo điều kiện để nhà nước tập trung vào chức năng kiến tạo phát triển. Công chức nhà nước sẽ có thời gian làm tốt phần trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp hơn là gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp...
|
ANH THƯ