Chung quanh nghị quyết của LHQ

Cấm mọi hình thức nhân bản người

Cấm mọi hình thức nhân bản người

Trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 8-3-2005, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết kêu gọi Chính phủ các nước nghiêm cấm mọi hình thức nhân bản người, kể cả nhân bản phôi người nhằm mục đích nghiên cứu tế bào gốc.

Cấm mọi hình thức nhân bản người ảnh 1

Nghị quyết không ghi hẳn thành một luật cấm và được thông qua với 84 phiếu thuận, 34 phiếu chống và 37 phiếu trắng. Mỹ cùng nhiều nước châu Phi, một số các quốc gia Ảrập và Mỹ Latin ủng hộ nghị quyết. Trong khi đó, phần lớn các nước châu Âu và châu Á lại phản đối. Nhiều nước Hồi giáo bỏ phiếu trắng với lý do không có sự nhất trí trong Liên hiệp quốc về vấn đề này.

 Trong các bài diễn văn sau cuộc bỏ phiếu, một số nước như Anh, Hàn Quốc và Hà Lan cho biết sẽ tiếp tục nhân bản liệu pháp để lấy tế bào gốc phục vụ nghiên cứu. Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Emyr Jones Parry cho biết “Nghị quyết là một tuyên bố chính trị yếu và sẽ không ảnh hưởng tới sự ủng hộ của Anh dành cho nghiên cứu tế bào gốc”. Chính phủ Anh cũng đã tuyên bố sẽ tài trợ 2 tỷ USD trong vòng 3 năm tới cho nghiên cứu tế bào gốc và các loại nghiên cứu khác.

Đại sứ Costa Rica tại Liên hiệp quốc, Bruno Stagno Ugarte, phát biểu: ‘’Thật ngạc nhiên và đáng buồn khi lại có những quốc gia phản đối một nghị quyết kêu gọi các nước bảo vệ đầy đủ sự sống của con người vào đầu thế kỷ XXI’’. Trong một tuyên bố hoan nghênh kết quả bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết Mỹ và cộng đồng quốc tế đã tỏ rõ quan điểm rằng nhân bản người là sự sỉ nhục đối với nhân phẩm con người.

Nghị quyết nêu trên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ra đời sau 4 năm thảo luận mà không có kết quả và nhiều lần trì hoãn đưa ra một lệnh cấm tất cả các loại hình nhân bản người. Mới đây, một cuộc họp của Ủy ban Pháp luật Liên hiệp quốc với sự tham dự của 71/149 nước thành viên của ủy ban này, cũng đã đồng ý thông qua tuyên bố kêu gọi các nước từ bỏ tất cả những loại hình liên quan đến kỹ thuật thuộc lĩnh vực nhân bản người này.

NGỌC MAI
(BBC News, New Scientists)

Tin cùng chuyên mục