Do đó, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, bộ chưa tổ chức lắp camera trong các phòng thi. Yêu cầu đảm bảo coi thi nghiêm túc vẫn thuộc về trách nhiệm của 2 cán bộ coi thi. Cũng theo đại diện Bộ GD-ĐT, hiện các giải pháp về công nghệ, đầu tư hạ tầng mạng máy tính và một số trang thiết bị hỗ trợ đang được tính toán. Khi ngân hàng đề thi đủ lớn, cùng với sự hoàn thiện của các điều kiện hỗ trợ, có thể xem xét tổ chức thi trên máy tính. Tuy nhiên, dù kỳ thi được tổ chức theo phương thức nào thì con người vẫn là yếu tố quyết định sự thành bại, chứ không phải yếu tố thiết bị hay công nghệ.
Trước đó không lâu, khi tình trạng bạo lực học đường, dâm ô, xâm hại tình dục đối với học sinh xảy ra liên tiếp trên diện rộng trong cả nước, đã có nhiều ý kiến đề xuất tăng cường lắp đặt camera trong khuôn viên trường học. Theo đó, thiết bị này được xem như một công cụ giám sát nhằm giúp giáo viên và học sinh tự điều chỉnh hành vi, đồng thời là cơ sở để cán bộ quản lý xử lý kịp thời, chính xác các hành vi sai phạm.
Ngoài ra, camera giám sát còn giúp phụ huynh yên tâm hơn vì có thể theo dõi, kiểm tra việc học tập, sinh hoạt của con mình tại trường. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, ngay cả các cơ sở có gắn camera giám sát thì học sinh vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường hoặc xâm hại.
Vụ việc thầy giáo tin học làm nữ sinh lớp 8 mang thai ở Lào Cai chính là hồi chuông cảnh báo mặt trái của thiết bị công nghệ. Khi hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, việc sử dụng các thiết bị công nghệ chỉ góp phần tạo ra kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Đặc biệt trong môi trường đòi hỏi nhiều yêu cầu đặc thù như bậc mầm non, nếu chỉ trông chờ vào giải pháp lắp đặt camera mà bỏ qua yếu tố chăm sóc tâm lý cho giáo viên, trường học không có chế độ thưởng, phạt rõ ràng, thì camera không thể phát huy tác dụng. Hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra ở bậc mầm non thời gian gần đây đều liên quan đến các cơ sở có gắn camera trong lớp học, đã phần nào cho thấy những mặt hạn chế của thiết bị công nghệ này.
Như vậy, việc lắp đặt camera giám sát chỉ là điều kiện cần, quan trọng hơn hết là ý thức tự giác, vai trò trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan trong các cơ sở giáo dục. Một mặt, ngành giáo dục khuyến khích các cơ sở trường học lắp camera từ nguồn thu xã hội hóa để tăng cường thêm công cụ giám sát, nhưng mặt khác cần quan tâm bồi dưỡng trình độ, năng lực cho giáo viên.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cần có sự phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường, trong đó có việc thường xuyên đẩy mạnh các kênh thông tin, đối thoại giữa phụ huynh với giáo viên để tạo ra môi trường giáo dục mở, phát huy tối đa khả năng tương tác nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh.