
(SGGP 12G).- Bắt đầu từ năm 2002, sau khi mua bản quyền 4 cuộc thi người đẹp ở phạm vi quốc tế, Công ty Elite Việt Nam đã đưa nhiều người đẹp trong nước đến với các đấu trường sắc đẹp có tên tuổi. Chỉ riêng Miss World (Hoa hậu thế giới - HHTG), đã có 6 người đẹp VN tranh tài và thành tích nổi bật nhất thuộc về HH Nguyễn Thị Huyền khi đứng thứ 12 trong top 15 người đẹp nhất HHTG 2004. Năm nay, HH Thùy Lâm cũng lọt vào top 15 HH Hoàn vũ. Tuy nhiên, có người không lấy đó làm mừng, thậm chí còn bi quan mà rằng, chúng ta đi thi nữa cũng chỉ đến top 15 mà thôi…
- Gánh nặng trên vai thí sinh

Với mục tiêu đưa người đẹp VN đến với các đấu trường sắc đẹp quốc tế để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và quảng bá hình ảnh VN ra thế giới, những kết quả của thí sinh VN ở các cuộc thi sắc đẹp quốc tế từ 2002 đến nay là một tín hiệu đáng mừng. Vượt qua hàng trăm cô gái tài sắc đến từ các quốc gia cùng nhiều yếu tố thuận lợi hơn, thí sinh VN nhích dần tới những thứ hạng cao và sắc đẹp VN ngày càng được chú ý đến.
Tuy nhiên, dường như tâm lý đi thì thì phải có giải đã tạo nên áp lực cho người đi thi. Vì vậy, khi thí sinh Việt trở về “trắng tay” hay kể cả việc vào top 15, top 17 thì dư luận vẫn xuất hiện những lời ỉ ôi... Có không ít những comment xúc phạm thô lỗ nhắm vào người đẹp A, hoa hậu B ở phần dưới các bài viết đăng trên báo điện tử... Những người đẹp trở về và những người đẹp Việt nuôi mộng sánh vai với các người đẹp quốc tế nghĩ sao trước sự “quan tâm” của một số người trong nước đến mức ấy? Mà đáng buồn là số này chiếm một bộ phận không nhỏ!
Không chỉ Ngô Phương Lan hai lần từ chối dự thi HHTG, khi những ánh mắt hy vọng đổ dồn đến Á hậu Thụy Vân thì cô cũng “đánh tiếng” qua báo chí rằng nếu được Elite chọn thì chưa chắc cô đã “gật”. Dường như sự không mặn mà của các người đẹp này có phần do sức ép quá lớn của dư luận đặt lên vai họ.
- Đi để học hỏi và hội nhập

Cuộc thi Hoa hậu VN chỉ tổ chức vào các năm chẵn, còn cuộc thi HHTG thì diễn ra hàng năm. Vì vậy, mặc dù mua bản quyền nhưng Elite Việt Nam không dễ chọn lựa thí sinh trong nước tham gia cuộc thi này vào các năm lẻ.
Theo quy định của ta, thí sinh dự các cuộc thi HH quốc tế phải đáp ứng đủ các điều kiện: Đạt danh hiệu tại các cuộc thi HH trong nước; có giấy mời của Ban tổ chức cuộc thi HHTG; thông thạo tiếng Anh. Elite bỏ tiền ra mua bản quyền để thí sinh VN dự thi HHTG nhưng việc duyệt cho ai đi và đi hay không lại thuộc thẩm quyền của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Theo Cục NTBD, chỉ những thí sinh đạt 1 trong 3 giải cao nhất (Hoa hậu, Á hậu 1, Á hậu 2) tại các cuộc thi trên phạm vi toàn quốc mới được Elite đề cử. Và trên thực tế, vào năm chẵn, Elite đều chọn Hoa hậu VN đi thi, bởi đơn giản, đây là cuộc thi có uy tín với chất lượng thí sinh khá hơn cả. Năm nay, vì “vụ” HH Thùy Dung mà cả hai Á hậu đều bị “vạ lây” nên hiện rất khó khăn cho Elite Việt Nam “chọn mặt gửi vàng”.
Việc quyết định danh sách thí sinh để gửi để BTC cuộc thi HHTG nên chuẩn bị càng sớm càng tốt để có thể rộng dài thời gian chuẩn bị, nhất là việc đào tạo các kỹ năng và chuẩn bị phần thi năng khiếu với hy vọng thí sinh đi thi sẽ góp phần quảng bá hình ảnh VN ra thế giới. Elite quyết tâm và hy vọng thí sinh VN có mặt ở cuộc thi sắc đẹp lớn nhất nhì hành tinh này không phải vì năm nay đã có nhà tài trợ (điều kiện là khi thí sinh đi thi trở về có nghĩa vụ quảng cáo cho sản phẩm của nhà tài trợ). Theo đại diện của Elite, đây là lĩnh vực mới mẻ nên chúng ta cần đi thi để học hỏi và hội nhập. |
“HHTG đã có lịch sử 59 năm nhưng VN mới lần thứ 6 bước ra “đấu trường” sắc đẹp này. Chưa nói đến thiếu kinh nghiệm, việc đầu tư cho thí sinh VN ở các cuộc thi này còn ở mức “khiêm tốn” so với một số nước khác. Có những thí sinh nước ngoài đi thi với 8-9 va li đồ đạc, tư trang.
Những ai đã có dịp đến dự cuộc thi HHTG mới biết, đầu tư cho trang phục của thí sinh nước ngoài thường cực kỳ tốn kém với những bộ trang phục dân tộc lên tới 35.000 – 40.000 USD, trong khi tất cả trang phục của thí sinh VN chỉ bằng… số lẻ này.
“Nếu cho rằng thí sinh VN còn kém cỏi và đòi hỏi họ phải đạt thành tích cao mà không biết mức độ đầu tư thời gian và tiền bạc cho thí sinh đi thi ra sao và đến nay VN chưa có “công nghệ” đào tạo hoa hậu thì thật là bất công”, bà Thúy Nga- Giám đốc điều hành Elite Việt Nam - chia sẻ.
Theo bà Nga, các cuộc thi sắc đẹp trong nước đã có những điều chỉnh để phù hợp hơn với quốc tế. Quy trình tổ chức không chỉ đơn giản là đêm chung kết mà cả một quá trình và đánh giá thí sinh trong suốt quá trình ấy… Hay để tránh cảnh cập rập, trước đây, HHVN thường tổ chức thi vào cuối năm thì bây giờ chuyển sang tháng 8. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, bà Nga cho rằng sau mỗi lần dự thi, chúng ta lại tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý giá. Và quan trọng hơn là tạo được dấu ấn và hình ảnh VN trong lòng bạn bè quốc tế.
HOÀNG THẮNG