Cần chấn chỉnh việc liên kết xuất bản

(SGGPO).–
Cần chấn chỉnh việc liên kết xuất bản

(SGGPO).– Sáng nay, 27-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xuất bản (sửa đổi). 

Dự thảo Luật này Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Cũng như kỳ trước, “nóng” nhất khi thảo luận về dự thảo luật này vẫn là vấn đề liên kết xuất bản. Ngay tại kỳ trước, nhiều ý kiến đã đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về điều kiện hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức nhân sự cũng như quy trình tổ chức và biên tập bản thảo của cơ sở liên kết xuất bản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản (NXB) Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, NXB chỉ quyết định xuất bản, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, Luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm.

Vì vậy, nhằm mở rộng sự tham gia và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển các hình thức liên kết xuất bản như hiện nay, cần công nhận để quản lý chặt chẽ hơn một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm, còn NXB đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản xuất bản phẩm. Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động liên kết của mình.

Với quan điểm đó, Dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định về điều kiện, đối tượng, hình thức thực hiện liên kết, trách nhiệm của Tổng giám đốc, tổng biên tập NXB, trách nhiệm của đối tác liên kết trong liên kết xuất bản; quy định đối tác liên kết có thể được thực hiện khâu biên tập sơ bộ bản thảo khi đủ các điều kiện và năng lực biên tập; trong trường hợp này NXB chịu trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh bản thảo, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản. Đồng thời, quy định đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì NXB không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng.

Thảo luận về vấn đề này sáng nay, rất nhiều đại biểu Quốc hội vẫn thể hiện sự chưa yên tâm. ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng về liên kết xuất bản, Luật phải quy định hết sức chặt chẽ. “Hiện nay, tình trạng liên kết xuất bản diễn ra tràn lan, nhiều trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước và NXB tham gia liên kết không nắm được nội dung ấn phẩm. Cần quy định rõ trách nhiệm của tổng giám đốc NXB trong việc việc liên kết xuất bản để hạn chế tình trạng liên kết xuất bản lộn xộn như hiện nay”, ĐB Nguyễn Thu Anh nói.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: Minh Điền

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng cho rằng, Luật ra đời phải khắc phục được những hạn chế trong khâu liên kết xuất bản hiện nay. “Nhiều sản phẩm lọt ra thị trường có chất lượng kém, trong khi ngay bản thân NXB tham gia liên kết cũng không nắm được. Tuy nhiên, Luật vẫn quy định về điều này rất chung chung”, ĐB Đồng phát biểu. Ông cũng lo ngại, việc bỏ quy định nộp lưu chiểu trước khi xuất bản 10 ngày sẽ làm gia tăng số ấn phẩm có chất lượng kém và đề nghị giữ quy định hiện hành.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cũng đồng ý siết chặt về vấn đề liên kết xuất bản, phải quy định trách nhiệm của tổng giám đốc NXB theo hướng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra liên kết xuất bản có sai phạm.

ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) nêu quan điểm không nên cho phép đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo.

Ngoài vấn đề liên kết xuất bản, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, những hành vi cấm trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn. ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) kiến nghị  Luật cần ghi rõ cấm việc xuất bản không thể hiện đúng bản đồ quốc gia, ví dụ như không thể hiện đủ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên bản đồ Việt Nam.

ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cũng cho rằng, hiện tình trạng xuất bản ấn phẩm trái thuần phong mỹ tục rất nhiều, vì vậy Luật cần đưa ra những quy định cấm cụ thể để ngăn chặn tình trạng này.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thủ đô; việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục