Cần chính sách “bến cảng an toàn” đối với nội dung số được phân phối

Theo báo cáo được trình bày tại hội thảo "Cách mạng dữ liệu: Thương mại trên nền tảng số và cơ hội cho Việt Nam" được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 26-3, thì tiềm năng thương mại trên nền tảng số của Việt Nam có thể lên đến 953.000 tỷ đồng xét về giá trị kinh tế vào năm 2030. 

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Để đạt được kết quả tốt nhất, một trong những giải pháp chính là xây dựng chính sách “bến cảng an toàn” để quy định trách nhiệm của nền tảng đối với nội dung được phân phối.

Tại hội thảo, TS Konstantin Matthieus (Công ty AlphaBeta) khẳng định, thương mại số đang tạo ra cho nền kinh tế quốc nội giá trị kinh tế lên đến 81.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu của kỹ thuật số hiện là ngành xuất khẩu lớn thứ 8 tại Việt Nam với giá trị 97.000 tỷ đồng; trong khi tiềm năng của xuất khẩu kỹ thuật số sẽ tăng 570% đến trước năm 2030, với giá trị 652.000 tỷ đồng.

Các doang nghiệp Việt đã gặt hái được những thành công lớn ở thị trường nước ngoài thông qua thương mại số nhờ tận dụng các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới; hợp tác với các nhà phân phối trực tuyến. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã khéo léo tận dụng sức hấp dẫn toàn cầu của thực phẩm Việt Nam để tiếp cận nhiều đối tượng hơn thông qua kênh YouTube – hiện có hơn 450.000 người đăng ký trên toàn cầu với hơn 45% người xem từ Mỹ và nhiều người từ các quốc gia khác như: Úc, Canada, Đức và Singapore. Tương tự với Zalo, What’s App, WeChat…

Trên cơ sở phân tích những mối quan ngại của các Chính phủ trên toàn cầu và giải pháp, TS Konstantin Matthieus nêu khuyến nghị Việt Nam nên có hành động trong 3 lĩnh vực quan trọng để giải quyết những lo ngại liên quan đến thương mại số, cụ thể:

Trước tiên, đó là cụ thể hoá loại dữ liệu được chia sẻ, ranh giới chia sẻ và hình thức chấp thuận của người dùng, khuyến khích khả năng tương tác giữa các khung cơ sở kỹ thuật số.

Tiếp theo là đặt ra những quy định về trách nhiệm trung gian trên Internet một cách cân bằng trong đó lưu ý đến chính sách “bến cảng an toàn” để quy định trách nhiệm của nền tảng đối với nội dung được phân phối qua các nền tảng Internet.

Cuối cùng, chuyên gia này nhấn mạnh, cần giảm bớt những yêu cầu nghiêm ngặt về việc thiết lập cơ sở lưu trữ dữ liệu ở địa phương; xem xét giảm thuế cho mặt hàng công nghệ thông tin; giảm bớt những hạn chế về đầu tư nước ngoài, chính sách cạnh tranh và luồng dữ liệu xuyên biên giới.  

Tin cùng chuyên mục