Cần cơ chế đặc thù cho các dự án đường vành đai TPHCM và Hà Nội

Chiều 28-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 6, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án Vành đai 3 TPHCM.
Cần cơ chế đặc thù cho các dự án đường vành đai TPHCM và Hà Nội

Phân kỳ hợp lý, kết hợp nhiều phương thức đầu tư

Đối với đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TPHCM, Chính phủ đề nghị đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe tốc độ thiết kế 80km/giờ, các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Đáng lưu ý, cả 2 dự án đều có nhiều nút giao và nhiều đoạn đi trên cao, khiến tổng mức đầu tư rất lớn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế. 

Về phương án đầu tư, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đề xuất đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, đường Vành đai 3 TPHCM thực hiện đầu tư công. Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho thực hiện dự án như Chính phủ phát hành trái phiếu chính phủ sau đó cho địa phương vay lại, sử dụng giải ngân linh hoạt giữa các nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho các hạng mục dự án… 

Tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị cân nhắc phương án phát hành trái phiếu địa phương để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cũng có thể thực hiện đầu tư theo hình thức PPP vừa bảo đảm huy động vốn trung hạn, vừa thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư theo Nghị quyết Đại hội Đảng. Một yếu tố khác cần cân nhắc là khả năng cung ứng vật liệu xây dựng trong bối cảnh một số dự án công trình trọng điểm quốc gia cũng đang triển khai cấp tập và đang gặp khó khăn về vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, các ý kiến phát biểu đều ủng hộ sự cần thiết chủ trương đầu tư các dự án đường vành đai này và cho rằng lẽ ra có thể được tiến hành sớm hơn. Ông đề nghị Chính phủ làm rõ thêm một số vấn đề như phạm vi, quy mô, thiết kế sơ bộ phân kỳ theo chiều dọc hay chiều ngang bảo đảm yêu cầu kết nối thông suốt kết nối; trách nhiệm thực hiện và nguồn vốn bố trí đối với đường song hành; các nút giao; khai thác quỹ đất. Hình thức đầu tư; phân chia dự án thành phần; cơ chế chính sách đặc thù trong thực hiện dự án; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cũng là những vấn đề cần tính toán thận trọng, đại diện cơ quan thẩm tra lưu ý.

Có 7/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Sáng cùng ngày, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành phiên họp thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. 

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong năm 2021, thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là điều kiện quan trọng để thực hiện chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” từ đầu quý 4-2021.

Qua đó giúp nền kinh tế dần phục hồi, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã có kết quả tích cực hơn so với báo cáo tại kỳ họp thứ 2. Đã có 7/12 chỉ tiêu đạt và vượt so với dự kiến, trong đó chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2021 chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số báo cáo với Quốc hội là dưới 4%); bội chi ngân sách nhà nước bằng 3,41% GDP; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng 25,2%. Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu không đạt, trong đó cần chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội. 

Các ý kiến tại phiên họp đánh giá cao hiệu quả từ những chính sách, nghị quyết kịp thời của Quốc hội, Chính phủ; song cũng bày tỏ lo ngại về một số rủi ro tiềm ẩn như giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logistics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu… Chỉ số CPI tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, cao nhất từ năm 2012 đến nay; chi phí đầu vào, logistics tăng cao nhưng sức cầu tiêu thụ yếu, khó khăn về tài chính, tuyển dụng lao động; dịch bệnh vẫn lây lan nhanh, số ca nhiễm mới mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tới việc thực hiện các chính sách bình thường mới… 

Cho rằng việc đánh giá về tình hình doanh nghiệp rất tích cực mà chỉ dựa trên số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại thị trường là chưa chuẩn xác, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Tiến Lộc đề nghị cần có đánh giá sát thực hơn; phân tích rõ hơn các nguyên nhân chủ quan của một số hạn chế, tồn tại. Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ quan tâm đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra như tốc độ tăng trưởng GDP và tỷ trọng năng suất nhóm các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng… “Năng suất nhân tố tổng hợp từ nhiệm kỳ trước đến nay vẫn là vấn đề nổi cộm và không đạt mục tiêu đề ra”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ bày tỏ quan ngại và đề nghị báo cáo của Chính phủ cần cụ thể hóa các nhóm giải pháp nhằm hợp lý hóa việc sử dụng vốn, lao động, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý lao động… 

Tin cùng chuyên mục