Doanh nghiệp nhựa trước giá nguyên liệu tăng cao

Cần giải pháp tổng hợp

Cần giải pháp tổng hợp

Chưa bao giờ giá nguyên liệu nhựa tăng cao và  đứng trên đỉnh lâu như hiện nay. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp ngành nhựa. Nguyên nhân không chỉ  do thiếu nguyên liệu mà còn ở chính sách nhập khẩu nguyên liệu còn nhiều bất cập.

  • Tăng giá trị sử dụng hạt nhựa
Cần giải pháp tổng hợp ảnh 1

Sản phẩm giường nhựa của Công ty nhựa Sài Gòn được sản xuất theo phương pháp tăng giá trị sử dụng của hạt nhựa.

Do giá dầu thô tăng, giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu cũng tăng lên khoảng 15%. Theo dự báo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2006 các doanh nghiệp ngành nhựa sẽ gặp nhiều khó khăn, do nguồn cung từ các nước Trung Đông khan hiếm và giá ngoại tệ lên xuống thất thường.

Nhu cầu nhựa nguyên liệu của các nhà sản xuất Việt Nam năm nay rất lớn, dự kiến cần khoảng 700.000 tấn nhựa PE, 600.000 tấn PP, 500.000 tấn PVC, 66.000 tấn PS…, trong khi doanh nghiệp phải nhập hầu hết nguyên liệu.

Theo một doanh nghiệp nhựa ở quận 5, TPHCM, khó khăn nhất là giải quyết các hợp đồng đã ký trước khi nguyên liệu chưa tăng giá. Nếu doanh nghiệp hủy hợp đồng thì vừa mất uy tín vừa bị kiện ra tòa… Còn theo Công ty Nhựa 4, khi giá nguyên liệu tăng cao, nhà sản xuất cũng tăng giá bán sản phẩm thì khách hàng khó chấp nhận.

Chính vì thế, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nhựa gia dụng đang trong tình trạng cố gắng cầm cự và tăng giá một cách cân nhắc từ 5%-10% tùy mặt hàng để giữ uy tín và cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp ngành nhựa chỉ mong sao không lỗ  vốn…  là tốt.

Trước tình hình trên, mỗi doanh nghiệp nhựa đều có một giải pháp riêng để đối phó: giảm chi phí, giảm chất lượng sản phẩm hoặc tăng giá trị sử dụng của hạt nhựa. Ông Phan Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Sài Gòn cho biết, Công ty Nhựa Sài Gòn đang đi theo giải pháp tăng giá trị sử dụng của hạt nhựa, tức là tạo ra những sản phẩm độc đáo mang giá trị kinh tế cao thay cho việc sản xuất các loại mặt hàng gia dụng bình thường và doanh nghiệp đã thành công trong việc chế tạo dải phân cách bằng nhựa, giường nhựa… 

  • Cần có quy định cụ thể hơn

Theo một số chuyên gia kinh tế trong ngành nhựa, qua nghiên cứu thị trường của hơn 30 nước tiêu biểu trên thế giới, người ta thấy giá nguyên liệu nhựa có tăng nhưng không quá 10%. Một số nhà máy ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn cung ứng đủ nguồn nguyên liệu cho thị trường Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn Phan Văn Thanh nhận định, năm 1991 giá nguyên liệu nhựa tăng cao là do chiến tranh vùng Vịnh và sau đó  lại xuống khi chiến tranh kết thúc. Hai năm gần đây, giá nguyên liệu nhựa lên đến 1.000 USD/tấn và nhiều khi leo lên 1.200 USD/tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 1991 cũng do tình hình chính trị quốc tế.
 
Trước thực tế trên, phế liệu nhựa được xem như là một giải pháp để giảm sức ép từ cơn sốt giá nguyên liệu nhựa. Thế nhưng, do các quy định nhập nguyên liệu của ta không rõ ràng nên đã gây ra tình trạng nhập “rác nhựa”, ảnh hưởng đến môi trường trong thời gian gần đây. Cho nên theo ông Thanh,  vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp ngành nhựa cần nhập các sản phẩm nhựa bị loại ở các nhà máy nước ngoài không đạt thông số kỹ thuật, đã ép thành khối và giá chỉ bằng 10%-20% so với giá nguyên liệu nhựa chính phẩm và một nguồn khác nữa là rác thải nhựa công nghiệp sau khi đã được phân loại, xử lý sạch và ép thành kiện (giá khoảng 300 USD/tấn)…

Tuy nhiên, để nhập được nguồn nguyên liệu này, đòi hỏi phải có những quy định mới cụ thể của Bộ Tài nguyên - Môi trường, chẳng hạn vấn đề phân loại nguyên liệu nhựa phế phẩm. Ở Trung Quốc, nước này cho phép nhập nguyên liệu nhựa phế phẩm nhưng quy định rõ loại nào nhập và loại nào không được nhập… cho nên ngành nhựa Trung Quốc luôn có nguồn nguyên liệu dồi dào.

Để ổn định hơn nguồn cung cấp và giá nguyên liệu nhựa trước tình hình mất cân đối cung-cầu trong phạm vi toàn thế giới, Hiệp hội Nhựa TPHCM đề nghị được giao nhiệm vụ lập các đầu mối lớn của Việt Nam để nhập khẩu nguyên liệu nhựa cho thị trường với điều kiện có sự điều tiết của nhà nước về kế hoạch. Kế đó, cần sớm triển khai  các dự án xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa để chủ động nguồn nguyên liệu và tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia (hơn 600 triệu USD/năm).

BÁ TÂN  

Tin cùng chuyên mục