Cần làm rõ tại sao vi phạm qua mặt được các cơ quan quản lý dễ dàng

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng 1-6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022.

Cần làm rõ tại sao vi phạm qua mặt được các cơ quan quản lý dễ dàng ảnh 1 ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên). Ảnh: QUANG PHÚC
Tuy nhiên, ĐB Tạ Thị Yên cũng chỉ rõ nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện tốt hơn. Như việc giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội có quy mô gần 350.000 tỷ đồng có tiến độ rất chậm. Tương tự, giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm và không đạt kế hoạch. “Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021”, ĐB Tạ Thị Yên nêu rõ.

Đặc biệt, ĐB Tạ Thị Yên bất bình về những biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin.

“Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý thì lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, các lĩnh vực đó. Cử tri thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà qua mặt được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường?”, ĐB Tạ Thị Yên bức xúc.

Vẫn theo ĐB Tạ Thị Yên, với một quốc gia đông dân, các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, TPHCM, các tuyến đường cao tốc trục ngang liên vùng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía Bắc… “Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nếu không bắt tay vào ngay thì sẽ không biết bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển”, ĐB Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Cần làm rõ tại sao vi phạm qua mặt được các cơ quan quản lý dễ dàng ảnh 2 ĐB Nguyễn Duy Minh (TP Đà Nẵng). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Duy Minh (TP Đà Nẵng) cũng ghi nhận những dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng lưu ý rằng, sức khoẻ của doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tốt. Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam. Năm 2021, khối này đóng góp tới 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. “Điều này phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI”, ĐB nhận xét.

Hiến kế phát triển, ĐB Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao.

Nhìn nhận lĩnh vực du lịch như một điểm tựa phát triển, ĐB đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trong ngành du lịch, trong đó cần làm rõ những vướng mắc, những hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp để khắc phục. Đồng thời cần có chính sách thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài, chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch, kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch….

Tin cùng chuyên mục