Trong 2 ngày 7 và 8-11, các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc và Đức) nhằm tìm giải pháp cho cuộc tranh cãi về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.
Giới phân tích cho rằng các cuộc đàm phán lần này sẽ diễn ra thực chất và nghiêm túc bởi một loạt các động thái chưa từng có diễn ra trước thềm cuộc đàm phán. Việc ra được một thông cáo chung sau các cuộc thương lượng hồi trung tuần tháng 10 vừa rồi ở Geneva (dẫn đến tiến hành cuộc họp lần này) là sự kiện hiếm trong các cuộc thương lượng giữa Iran với các cường quốc. Điều này đã chứng tỏ sự thay đổi thái độ đáng kể giữa các bên tham gia đàm phán. Tiếp theo phải kể đến những tuyên bố hiếm có của các bên tham gia đàm phán. Bà Catherine Ashton, người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), đã tuyên bố rằng các cuộc thảo luận ở Geneva lần này sẽ là “chi tiết nhất” có được từ nhiều năm nay. Theo các nhà phân tích, việc tiến hành các cuộc thương lượng lần này cho thấy tính nghiêm túc trong những lời hứa của phương Tây về việc giảm bớt trừng phạt chống Iran. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cũng nhận xét Iran đã chứng tỏ “một mức độ nghiêm túc mà chúng ta chưa từng thấy trước đây, và rằng 2 bên đang bắt đầu một kiểu thương lượng mà người ta có thể hình dung rằng có thể đi tới một thỏa thuận.
Một dấu hiệu nữa chứng tỏ giữa Iran và P5+1 đang có “bầu không khí mới” là lần đầu tiên, các cuộc thảo luận diễn ra bằng tiếng Anh và đoàn đại biểu Mỹ, do trợ lý Ngoại trưởng phụ trách chính trị, Wendy Sherman, dẫn đầu, tới bàn thương lượng cùng với các nhà lãnh đạo phụ trách về chương trình trừng phạt kinh tế chống Iran. Sự có mặt này được coi là dấu hiệu cởi mở của Mỹ. Về phía Iran, Ngoại trưởng Javad Zarif đã khẳng định rằng cuộc thương lượng lần này đã mang đến niềm hy vọng về một “giai đoạn mới” trong mối quan hệ giữa Iran với cộng đồng quốc tế.
Sự sẵn sàng đã được các bên thể hiện nhưng điều quan trọng nhất trong cuộc tranh cãi giữa Iran và phương Tây trong một thập kỷ qua là sự tin tưởng lẫn nhau liệu có đạt được? Phát biểu trong một buổi họp báo, ông Zarif đã khẳng định chương trình hạt nhân của Iran không phải không thể giải quyết. Vấn đề ở đây là “vượt qua bức tường ngờ vực lẫn nhau”. Tân Tổng thống Iran Hassan Rouhan biết rõ nguyên nhân gây ra cuộc xung đột về vấn đề hạt nhân và tình hình căng thẳng dai dẳng. Hai bên thiếu lòng tin vì bên này nghi ngờ bên kia có những mục tiêu riêng của mình. Đối với Iran , những đòi hỏi của phương Tây thực chất là muốn lật đổ chế độ Hồi giáo. Còn đối với Mỹ và các đồng minh, Iran tiếp tục chương trình hạt nhân quân sự dưới vỏ bọc là chương trình dân sự. Ngoài ra, phương Tây còn tin chắc rằng cả Chính phủ Iran lẫn các nhà đàm phán đều không có quyền quyết định mọi vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vấn đề hạt nhân, vì đây là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của nhà lãnh đạo tối cao của nước Cộng hòa Hồi giáo, hiện là Đại Giáo chủ Ali Khamenei.
Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng để có một bước tiến thật sự trong lần đàm phán lần này, 2 bên cần phải thể hiện sự chân thành, hướng tới mục tiêu thực chất: giải quyết vấn đề hạt nhân Iran để góp phần đem lại sự bình yên cho khu vực Trung Đông đầy biến động.
ĐỖ CAO