Trong khối ASEAN, đến thời điểm hiện tại, Singapore và Việt Nam là 2 quốc gia thành viên cùng ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU). Việc Singapore quyết định tham gia 2 hiệp định thương mại trên không có gì bất ngờ nhưng điều gì đã thúc đẩy Việt Nam?
Có thể nói, TPP không chỉ là một hiệp định thương mại nếu xem xét thêm nhiều khía cạnh khác. Trong số đó, phải nói đến các yêu cầu khắt khe về quyền sở hữu trí tuệ; quy tắc đảm bảo tính trung lập cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân... Theo trang mạng Asialyst, những điều trên đã góp phần đẩy nhanh tốc độ cải cách mà Việt Nam đang theo đuổi. Trong khi đó, FTA với EU giúp Việt Nam tiếp cận với một thị trường rộng lớn. Cả 2 hiệp định trên mở rộng cơ hội hợp tác về kinh tế cho mảnh đất hình chữ S.
Mỹ và châu Âu là hai thị trường hấp dẫn đối với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như nông, hải sản, đồ gỗ, da giày và may mặc. Miễn giảm thuế sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam, Campuchia, Bangladesh, những nước đang được hưởng lợi từ sự xói mòn lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp dệt của Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển. Nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, tỷ lệ thuận với đà tăng của hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam. TPP và FTA với EU sẽ giúp công nghiệp dệt của Việt Nam phát triển khi mà mức thuế đối với sản phẩm có nguyên liệu gốc từ các quốc gia tham gia 2 hiệp định thương mại trên được hạ thấp. Công nghiệp dệt phát triển sẽ giúp Việt Nam tránh bị phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ nước khác.
Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại trên nhưng sản phẩm điện tử, công nghệ cao lại phụ thuộc vào sự thành, bại của chiến lược phát triển của các công ty lớn. Điều này có thể thấy qua so sánh giữa Intel và Samsung tại Việt Nam. Sau khi quyết định xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất thế giới tại TPHCM với tổng vốn đầu tư hiện đã hơn 1 tỷ USD, tỷ lệ hội nhập vào nền sản xuất của Việt Nam vẫn ở xa mức 80% mà công ty của Mỹ đề ra. Tác động của Intel đến xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Samsung. Samsung Việt Nam đã sản xuất gần 40% số lượng điện thoại thông minh Galaxy bán ra toàn cầu. Đồng thời kéo theo các nhà thầu phụ đến với Việt Nam như Samsung Display đã tuyên bố đầu tư hơn 2 tỷ USD để sản xuất màn hình. Samsung và các nhà thầu phụ chiếm 1/4 lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Đến nay, số tiền mà tập đoàn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đã là 13 tỷ USD và con số này có thể đạt mức 20 tỷ USD trong năm 2017. TPP và FTA với EU sẽ tác động không lớn đến xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam. Tương lai của ngành này phụ thuộc vào sự hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu.
Rất nhiều chuyên gia kinh tế nhận định nếu biết nắm bắt cơ hội, TPP hay FTA với EU là cơ hội để Việt Nam tự cường, giúp nền sản xuất nội địa của Việt Nam phát triển. Còn nếu không quyết liệt đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ thua trên chính sân nhà và khi đó, người tiêu dùng Việt Nam chỉ giúp làm giàu cho các quốc gia khác.
ĐỖ CAO