Cân nhắc tiêu chí đối tượng được hỗ trợ thuế

Chính phủ trình Quốc hội cho giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Nhiều ĐBQH đề xuất xem xét lại 2 tiêu chí trên.

Tại phiên họp của Quốc hội sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ trình Quốc hội cho giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Theo ước tính của Chính phủ, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 22.440 tỷ đồng.

Cân nhắc tiêu chí đối tượng được hỗ trợ thuế ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, sáng 11-6-2020. Ảnh: QUOCHOI

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban nhất trí với đối tượng áp dụng và mức giảm như dự thảo Nghị quyết.

Tại phiên thảo luận Tổ được tổ chức ngay sau đó, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) bày tỏ đồng tình với chính sách giảm thuế, nhưng nêu vấn đề: “Tiêu chí có doanh thu dưới 50 tỷ đồng thì đúng rồi, nhưng tại sao lại chỉ giảm thuế cho đối tượng doanh nghiệp có không quá 100 lao động? Những doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng, mà có số lượng lao động trên 200 người thì còn khó khăn hơn chứ”?

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, chỉ nên lấy 1 tiêu chí doanh thu để giảm thuế cho doanh nghiệp. Dự thảo Nghị quyết mới chỉ hỗ trợ được cho các doanh nghiệp có lãi, chưa tính tới các doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động không có lãi. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể hơn cho nền kinh tế thay vì chỉ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng đang kinh doanh có lợi nhuận.

Cân nhắc tiêu chí đối tượng được hỗ trợ thuế ảnh 2 ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) phát biểu tại Tổ thảo luận, phiên họp sáng 11-6-2020. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chỉ áp dụng tiêu chí doanh thu dưới 50 tỷ đồng cũng là đề xuất của ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM), xét từ góc độ doanh nghiệp càng có nhiều lao động càng phải đối diện với thách thức lớn hơn khi phải chịu trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Cũng phân vân về tiêu chí để được giảm thuế, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị, ngoài xác định tiêu chí đặc thù cho một số ngành nghề cũng nên loại trừ những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng, vì như vậy là họ ít bị ảnh hưởng.

ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng đề nghị nên căn cứ tiêu chí doanh nghiệp có doanh thu 2020 giảm sâu so với  năm 2019.

Một số ý kiến khác đề nghị không phân biệt quy mô doanh nghiệp mà cần nghiên cứu để thực hiện giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phân tích, dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ khối doanh nghiệp, có những doanh nghiệp doanh thu nhiều, nhưng vẫn là bị thiệt hại nặng, vì bất đắc dĩ phải bán sản phẩm dưới giá thành để kích thích tiêu dùng. Như thế, doanh thu tăng nhưng thu nhập thì không có.

Mặt khác, ngay cả các doanh nghiệp quy mô lớn cũng có thể đổ vỡ và dẫn đến hiệu ứng donimo, kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp gia công “chìm”, hàng ngàn người lao động mất việc. Về lâu dài, để nuôi dưỡng nguồn thu, mọi doanh nghiệp cần được hỗ trợ một cách căn cơ hơn thông qua các chính sách kích cầu thiết thực.

Tin cùng chuyên mục