
Để cung ứng rau quả sạch – đẹp – an toàn cho thị trường, cuối năm 2009, nhiều hợp tác xã ở huyện Hóc Môn, TPHCM hợp đồng với Công ty TNHH Hương Cảnh sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP. Thế nhưng, đến nay diện tích trồng rau này chẳng bao nhiêu, lượng rau sạch quá ít trước nhu cầu của người tiêu dùng.
- Rau theo tiêu chuẩn VIETGAP
Ông Huỳnh Văn Rành, Phó Giám đốc Công ty Hương Cảnh, cho biết mô hình làm rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) - Thực hành sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn Việt Nam - được áp dụng tại huyện Hóc Môn từ tháng 12-2009, tập trung ở các vùng rau: Nhị Bình, Đông Thạnh, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn...

Để khuyến khích hộ trồng rau đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn này, công ty đầu tư vốn cho bà con, hỗ trợ giống, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu, nước tưới, phương tiện làm đất…, hướng dẫn quy trình cặn kẽ đồng thời trực tiếp thu mua rau vào vụ thu hoạch.
Dưới sự giám sát chặt chẽ của Công ty Hương Cảnh, các hộ trồng rau luôn thực hiện đúng quy trình và kỹ thuật sản xuất rau sạch: sử dụng phân phù hợp với từng loại rau theo từng thời kỳ, nước tưới cho rau được kiểm định, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng nguyên tắc. Không dùng thuốc cấm, thuốc không rõ nguồn gốc. Rau quả sau khi thu hoạch tại ruộng sẽ được công ty kiểm tra chất lượng, mua và vận chuyển về kho rửa sạch, sục khí ozon diệt khuẩn, đóng gói và phân phối đến các siêu thị. Với mô hình làm rau sạch này người tiêu dùng có thể an tâm khi ăn rau.
Tuy nhiên, lượng rau sạch mà Công ty Hương Cảnh phân phối ra thị trường chưa nhiều, bởi số hộ tham gia sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP còn quá ít. Xã Nhị Bình là vùng chuyên canh rau lớn nhất huyện, có khoảng 150 hộ trồng rau muống nước nhưng chỉ mới có 13 hộ tham gia. Theo ông Huỳnh Châu Đồng, Chủ nhiệm HTX Nhị Bình, đó là do nhiều hộ chưa quen với cách sản xuất mới.
Mặt khác, đa số vẫn còn tâm lý sản xuất rau kiểu truyền thống sẽ “chủ động” hơn, ít bị quản lý, dễ sử dụng “thủ thuật” trong quá trình sản xuất rau, giảm chi phí đầu tư. Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM, cho biết muốn đăng ký sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP, hộ trồng rau phải có trình độ từ trung cấp kỹ thuật trở lên, đây quả là một yêu cầu bất cập với đa số nông dân .
Toàn TPHCM hiện mới có khoảng 10% số hộ nông dân đăng ký trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP. Việc sử dụng thuốc trừ sâu không nhãn mác tràn lan, miễn là độc, sâu nào cũng chết. Anh Tương trồng cải ở hương lộ 80B, thú thật: “Tụi tui trồng “rau đẹp” nhưng không dám ăn. Rau ăn được trồng riêng!”. Mỗi ngày các vùng rau ở Hóc Môn, Củ Chi cung cấp cho các chợ đầu mối TPHCM và các tỉnh lân cận hàng trăm tấn rau quả các loại. Trong khi đó, lượng rau sạch do Công ty Hương Cảnh phân phối đi các siêu thị chỉ 1 tấn/ngày.
- Lời giải nào cho rau sạch?
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất “rau đẹp”, ông Nguyễn Ngọc Hồ Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, thừa nhận trên địa bàn xã hiện vẫn còn nhiều hộ trồng rau cố ý sử dụng các loại hóa chất cấm để tưới, bón rau. Để ngăn chặn, lãnh đạo xã thường xuyên kết hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức các đợt kiểm tra quy trình sản xuất rau, tập huấn nông dân sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng cách, đúng liều lượng, thời gian…
Những trường hợp vi phạm xã đều xử phạt nghiêm. Ngoài ra, địa phương thường xuyên vận động, khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ đăng ký với Công ty Hương Cảnh trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP. Địa phương đang cố gắng tăng diện tích trồng rau sạch, thu hẹp diện tích
sản xuất rau theo kiểu cũ.
Ông Nguyễn Văn Đức Tiến cho biết, TPHCM đang quy hoạch vùng rau sạch, rau an toàn trong chương trình 2010-2025 theo tiêu chuẩn VIETGAP. Sắp tới chi cục sẽ tăng cường các lớp tập huấn, hướng dẫn cách ghi chép “nhật ký đồng ruộng” cho hộ trồng rau. Phấn đấu đến năm 2025, TPHCM sẽ có 90% diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn VIETGAP
TUẤN VŨ