Cần niêm yết công khai kết quả lấy, bỏ phiếu tín nhiệm

(SGGP).- Ngày 4-1, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) phối hợp đoàn đại biểu QH Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo dự thảo, QH sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ vào kỳ họp thứ nhất trong năm, bắt đầu từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ. HĐND các cấp thực hiện tại kỳ họp thường lệ đầu năm bắt đầu từ năm thứ 2 của mỗi nhiệm kỳ. Riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016, việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại QH, HĐND được tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013 nhưng không trước ngày 1-2-2013.

Về mẫu phiếu thăm dò trong quá trình bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo đưa ra 2 phương án.

Phương án 1 được thiết kế theo hướng sử dụng chung cho mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm. Trên phiếu ghi đầy đủ danh sách tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm theo từng nhóm chức vụ kèm theo các ô tương ứng với các mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

Phương án 2 gồm các phiếu riêng cho từng chức vụ hay nhóm chức vụ tương ứng với thứ tự QH và HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trên từng phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của từng người hoặc những người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với 3 mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Phiếu tín nhiệm được sử dụng riêng đối với từng người được đưa ra bỏ phiếu, ghi rõ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ tín nhiệm và không tín nhiệm. Dự thảo cũng nêu rõ trình tự, thủ tục xin từ chức đối với những người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp; trường hợp đạt phiếu tín nhiệm thấp...

Đại diện Hội Luật gia Hà Nội đề nghị, việc đánh giá mức độ tín nhiệm chỉ nên dựa trên 3 căn cứ: xem xét báo cáo của người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; các ý kiến, kiến nghị của cử tri và những nội dung đã giải trình của người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Về nội dung công khai dân chủ đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, một số ý kiến đề nghị dự thảo cần quy định rõ công khai dân chủ ở phạm vi, mức độ nào. Kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cần được niêm yết tại chỗ ngay sau khi tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

A.Thư

Tin cùng chuyên mục