Cần thông tin kịp thời hơn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền

Sáng nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.Phát biểu tại hội trường, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang) – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh, vấn đề biển đông được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Trong phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội và báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày cũng đã khẳng định nội dung này. Trên thực tế, các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua các báo cáo cho thấy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đặt vấn đề bảo vệ biển đảo lên hàng đầu; các lực lượng thực thi kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, lợi ích quốc gia dân tộc.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu về vấn đề biển Đông tại hội trường. Ảnh VIẾT CHUNG

Trước những ý kiến đóng góp của người dân, Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe và đang kiên trì bảo vệ chủ quyền trên cơ sở kế thừa truyền thống theo quan điểm giữ nước là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; cương quyết không nhân nhượng vấn đề độc lập chủ quyền như khẳng định của Thủ tướng và có đối sách phù hơp. Chủ trương của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình. Mỗi người dân ai cũng có khát vọng vươn lên và tinh thần đó thể hiện qua việc chưa độc lập thì giành độc lập và ngày nay là giữ độc lập, chủ quyền, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là những điểm tương đồng để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gian khổ trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bảo vệ chủ quyền nhưng có sách lược trong từng trường hợp và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

Liên quan đến phát triển kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, Quỹ Tiền tệ quốc tế liên tục điều chỉnh tăng trưởng của kinh tế thế giới từ 3,6% còn 3% thì việc Việt Nam tăng trưởng GDP đạt 6,98% sau 9 tháng là kết quả hết sức tích cực.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động nhiều chiều đến Việt Nam khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ; Việt Nam nhập siêu cao từ Trung Quốc, gian lận thương mại phức tạp, cần quan tâm (10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 62 tỷ USD tăng 16,1%, nhập siêu trên 29 tỷ USD từ Trung Quốc, cao hơn năm 2018). Tuy nhiên, mặt thuận lợi là việc Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc đã giúp hàng hóa Việt Nam vào Mỹ thuận lợi: 10 tháng xuất khẩu vào hơn 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ và xuất siêu 39 tỷ USD.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới tăng cường bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản, do đó, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa thị trường trong nước, phát huy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tiến tới “Người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam”. Để làm được điều này thì Chính phủ, doanh nghiệp cần chú trọng đến mẫu mã vì thu nhập của người dân đã tăng hơn 2 lần kể từ năm 2010 đến nay; bên cạnh đó là triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.

Trong các yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế thì tín dụng quyết định 40-50%, do vậy, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng, tránh nợ xấu quay trở lại; tái cơ cấu thị trường tài chính để thị trường chứng khoán trở thành kênh cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế; hỗ trợ TPHCM xây dựng trung tâm tài chính khu vức và quốc tế. Để kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị dành nguồn lực cho việc xây dựng hệ thống luật pháp, thể chế liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo; thể chế hóa vấn đề sở hữu trí tuệ và triển khai các tài sản trí tuệ người Việt Nam trên thế giới; liên kết vùng…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP và những yếu tố đi kèm khác như cảnh báo của các chuyên gia về những hệ lụy của việc tăng trưởng GDP bằng giá nào, hệ lụy là gì, phân phối, phân bổ có bền vững? Hay như con số doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể liệu có tình trạng doanh nghiệp trốn thuế và giải thể, lập doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá thành tích địa phương...

Về phát triển bền vững, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, chúng ta cần có con đường riêng và dựa vào 3 trụ cột: nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản. Phát triển đất nước song song với chuyện tạo ra tài sản vật chất phải định hướng xã hội, người dân vào 3 trụ cột này vì nếu chỉ định hướng bằng tiền kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài để tăng GDP sẽ đánh mất chủ quyền, lệ thuộc kinh tế, không tự chủ nhiều mặt khác. Với 3 trụ cột đó sẽ tạo ra bản sắc người Việt Nam, không giống người nước khác.

Bày tỏ sự chia sẻ của các đại biểu đại diện Bộ Quốc phòng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần có thông tin đầy đủ hơn, kịp thời hơn đến người dân, để người dân có sự yên tâm, tin tưởng vào việc bảo vệ chủ quyền của Đảng, Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục