Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội các ngành hàng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách thiết thực, kịp thời để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng trưởng bền vững.
Theo các doanh nghiệp ngành hóa chất (Hội Cao su - nhựa), hiện nay lãi suất cho vay ngoại tệ 6% - 7%/năm là quá cao. Do đó, kiến nghị ngân hàng nhà nước xem xét có chính sách giảm lãi suất; ban hành các quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp. Nhanh chóng xây dựng, ban hành hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các nhà sản xuất và nhà tiêu dùng trong nước. Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản lý, có chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ với các sản phẩm mang tính kỹ thuật cao và hàm lượng giá trị gia tăng lớn. Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Thành lập cụm công nghiệp cao su tập trung có quy mô vừa phải đáp ứng nhu cầu mặt bằng của doanh nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường và hình thành các chuỗi cung ứng tiên tiến. Tương tự, ngành cơ khí (Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện) kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách giảm tiền thuê đất làm nhà xưởng, xây dựng nhà máy để hội tập trung doanh nghiệp trong ngành thành cụm sản xuất chuyên ngành cơ khí. Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo về quản trị cho lãnh đạo doanh nghiệp và công tác đào tạo cho công nhân ngành cơ khí. Xây dựng cơ sở dữ liệu và website cung cấp thông tin về công nghiệp hỗ trợ của ngành. Đồng thời, có chương trình kích cầu, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án đầu tư ngành cơ khí. Hỗ trợ kinh phí về xúc tiến đầu tư, tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về cơ hội đầu tư phát triển ngành cơ khí.
Đối với ngành chế biến lương thực - thực phẩm (Hội Lương thực - Thực phẩm) đề nghị triển khai các chương trình hỗ trợ vay vốn, lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất các sản phẩm tinh chế của ngành nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và đẩy mạnh xuất khẩu. Xây dựng cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn. Cụ thể, các ngân hàng cho phép doanh nghiệp đóng lãi vay hàng quý thay vì hàng tháng như từ trước đến nay để giúp doanh nghiệp không bị rơi vào nhóm nợ xấu nếu không trả lãi kịp thời. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các tổ chức hiệp hội, hội ngành nghề về tài chính, thông tin và tổ chức các cơ hội gặp gỡ chính quyền, cơ quan quản lý như thuế, hải quan, ngân hàng… để cảm thông, chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn chung. Có định hướng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay đến 2015 và tiến tới năm 2020. Đưa ra các chương trình kích cầu tiêu thụ, khai thác nguồn lực trong dân, đưa vốn vào phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo nên nguồn của cải vật chất cho xã hội.
Riêng Hiệp hội Doanh nghiệp TP kiến nghị, áp dụng trần lãi suất cho vay như trần lãi suất huy động đang áp dụng hiện nay. Lãi suất huy động hiện nay đã được giảm về mức 5% - 7,5%/năm, do đó kiến nghị mức lãi suất cho vay ở mức dưới 10%/năm. Đối với công nghiệp phụ trợ, để các doanh nghiệp tham gia công nghiệp phụ trợ yên tâm và mạnh dạn đầu tư, kiến nghị Chính phủ có chính sách tài chính phát triển công nghiệp phụ trợ cần cụ thể hơn nữa và phân cấp cho các địa phương triển khai thực hiện như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn hoặc giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; miễn thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh việc cụ thể chi tiết hóa, Bộ Tài chính cần phải phổ biến rộng rãi các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ bằng nhiều kênh thông tin để phổ cập đến từng doanh nghiệp; đồng thời phân cấp việc tổ chức thực hiện chính sách cho các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
THẢO TIÊN