Cẩn trọng mua thực phẩm trên “chợ mạng”

Càng gần tết, những sản phẩm thực phẩm như bánh kẹo, mứt, gà, heo ủ muối hoa tiêu/hun khói đông lạnh… càng thu hút người tiêu dùng. Nắm bắt nhu cầu này, trên các mạng xã hội, trang thương mại điện tử xuất hiện nhan nhản “nhà bán hàng” với đủ sản phẩm, phân khúc giá.
Hàng hóa bán trên chợ mạng có nhiều mức giá khác nhau, khó kiểm soát chất lượng
Hàng hóa bán trên chợ mạng có nhiều mức giá khác nhau, khó kiểm soát chất lượng

Giá nào cũng có

Với sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử, người tiêu dùng khi quan tâm đến bất kỳ sản phẩm nào cũng đều tìm được điểm bán trong tích tắc. Điển hình như với thực phẩm cho mùa tết năm nay. Bất kỳ người tiêu dùng nào quan tâm đến sản phẩm gà ủ muối chỉ cần gõ từ này trên Google sẽ được đề xuất hàng loạt thương hiệu, “cửa hàng” online với nhiều mức giá chênh lệch đáng kể, dao động 69.000-389.000 đồng/con tùy trọng lượng (thường từ 1kg trở lên). Tương tự, heo ủ muối cũng rất đa dạng như tai heo ủ muối, đuôi heo ủ muối hay giò heo ủ muối… với giá 59.000 đồng/500g tới vài triệu đồng.

Chị Mai Hồng Ngọc (ngụ quận 8, TPHCM) cho biết, chị vừa đặt mua 1 con gà ủ muối loại 990g với giá 150.000 đồng/kg (chưa tính tiền giao hàng) trên Shopee. Nhìn chung giá như vậy là rất rẻ và chị đang chờ shop giao hàng xem chất lượng ra sao.

Bên cạnh các loại sản phẩm trên, thời điểm này khi lướt các trang mạng xã hội sẽ dễ dàng bắt gặp các bài đăng sản phẩm nhà làm. Dòng sản phẩm này cũng rất đa dạng gồm bánh, mứt, giò chả... được quảng cáo rất nhiều trong nhóm cộng đồng mua bán, khu dân cư, website, trang thương mại điện tử... Sản phẩm này thường có hình thức bắt mắt, được giao hàng tận nơi, khuyến mãi, phục vụ số lượng hạn chế nhằm đánh vào tâm lý của người mua và nhận được tương tác lớn từ khách hàng.

Có thể thấy việc mua hàng qua các trang online khá tiện lợi, tuy nhiên, theo phân tích của một chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm (quận Bình Thạnh, TPHCM), có những bất cập liên quan đến chất lượng. Cụ thể như gà ủ muối. Theo chủ cửa hàng này, giá gà lông loại nuôi công nghiệp tại thị trường hiện đã hơn 100.000 đồng/con, trong khi chỉ 100.000 đồng đã mua được 1 con gà ủ muối. Mức giá này dấy lên sự lo ngại về chất lượng, nguồn gốc của các loại gà đông lạnh ở trên, vì hầu hết đều được đổ mối bán lẻ, giao hàng tận nơi và không nhãn mác…

Kiểm soát chặt buôn bán thực phẩm

Thực tế sau dịch Covid-19, xu hướng mua sắm online đã trở nên phổ biến trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Vào thời điểm cận tết, sức mua sắm tăng cao như hiện nay, các đối tượng buôn bán hàng kém chất lượng thường lợi dụng để trục lợi.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn TPHCM, từ giữa tháng 12-2022, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã triển khai hàng loạt hoạt động truyền thông, thanh tra, kiểm tra. Trong đó, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đồng thời chú trọng kiểm soát đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm.

Cùng với Ban quản lý An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã ban hành kế hoạch về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023. Trong đó, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Tuy vậy theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, việc kiểm tra hàng hóa, thực phẩm sẽ dễ dàng với các đơn vị buôn bán có cửa hàng trực tiếp, còn với hình thức bán hàng online vẫn chưa có quy định pháp lý cụ thể, đặc thù để cơ quan quản lý có thể theo dõi, kiểm soát. Chẳng hạn Ban quản lý An toàn thực phẩm đang quản lý hàng online như những mặt hàng bình thường, có nghĩa là có bộ phận theo dõi, kiểm soát và kiểm tra, song vẫn chưa có pháp lý cụ thể cho hàng online. Trong khi, địa chỉ sản xuất thực phẩm nhà làm được quảng bá online thường là địa chỉ ảo, khó truy tìm. Vì vậy, số lượng mặt hàng, cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội được kiểm tra ít hơn, từ đó, tiềm ẩn nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ thực tế đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sắm nên chọn các sản phẩm có ghi rõ cơ sở sản xuất, giấy chứng nhận. Tránh vì giá rẻ mà mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, được quảng cáo với lời lẽ “có cánh” nhưng thực chất không kiểm soát được chất lượng, gây ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.

Tin cùng chuyên mục