Năm 2017, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016 - mức kỷ lục từ trước đến nay. Vốn đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016, cũng là mức kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Đây là những con số rất có ý nghĩa khi năm 2017 chính là thời điểm tròn 30 năm Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài được ban hành.
Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, về tác động nhiều mặt của FDI đối với kinh tế - xã hội Việt Nam; những giải pháp để định hướng và nâng cao hiệu quả của dòng vốn này.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
PHÓNG VIÊN: Ông có thể khái quát ngắn gọn về chặng đường 30 năm kể từ khi có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài?
Ông VÕ TRÍ THÀNH: Trong 30 năm qua, đã có 3 “làn sóng” đầu tư. Năm 1991, làn sóng FDI thứ nhất vào Việt Nam bắt đầu. Chỉ trong vòng 7 năm, đã có 2.230 dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam, với 16,244 tỷ USD vốn đăng ký và 12,98 tỷ USD vốn thực hiện. Riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt 3,115 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991. Dòng vốn FDI tạm thời chững lại trong giai đoạn 1998-2004, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Năm 1998, vốn đầu tư đăng ký chỉ là 5,099 tỷ USD; năm 2000 là 2,838 tỷ USD; năm 2004 là 4,547 tỷ USD.
Làn sóng thứ hai bắt đầu từ năm 2005, với vốn đăng ký 6,839 tỷ USD và vốn thực hiện 3,3 tỷ USD, sau đó bật tăng lên 12 tỷ USD trong năm 2006; 21 tỷ USD trong năm 2007 và từ đó tới nay, liên tục ở mức cao. Giờ đây, làn sóng FDI thứ ba được cho là đang dồn dập đổ tới Việt Nam, tuy cũng có những thời điểm chững lại do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong suốt chặng đường đó, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế Việt Nam (20% GDP, gần 70% kim ngạch xuất khẩu). Theo một số nghiên cứu thì có khoảng 12 - 13 triệu công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp. Người Việt Nam, nhất là đội ngũ doanh nhân và người lao động, đã học hỏi được không ít từ FDI.
Ông đã đề cập đến những mặt được của FDI, vậy đâu là những “khoảng xám” cần “chiếu sáng”?
Tất nhiên, đi cùng dòng vốn FDI, bên cạnh những mảng sáng đáng trân trọng còn có những gam màu xám đáng suy ngẫm. Chính vì thế mà trong bối cảnh mới, Việt Nam rất cần tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại, cả về cách nhìn nhận và cách thu hút FDI.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tác động lan tỏa về công nghệ, kỹ năng của FDI ở Việt Nam còn yếu, trong khi đây lại chính là bài toán lớn nhất trong thu hút FDI. Việt Nam chỉ có lợi nếu và chỉ nếu - tôi muốn nhấn mạnh điều này - nhận được đầy đủ tác động lan tỏa tích cực này.
Bên cạnh đó, các luồng vốn nước ngoài đổ vào ồ ạt cũng có thể gây ra rủi ro, bất ổn kinh tế vĩ mô. Nói nôm na là dễ gây “bội thực”. Thực tế, ngay trước và sau khi gia nhập WTO, FDI và các dòng vốn khác đổ vào đã gây khó khăn cho chính sách tiền tệ của Việt Nam, tạo áp lực lên lạm phát, thị trường chứng khoán và bất động sản. Hệ lụy là bất ổn kinh tế vĩ mô nghiêm trọng, nhất là khi thiếu những chính sách kinh tế vĩ mô đối ứng thích hợp.
Một vấn đề nữa không thể không nhắc đến là dự án FDI có thể đi kèm công nghệ, kỹ năng cao và phương thức kinh doanh tiên tiến. Ngược lại, cũng có những dự án đã mang vào Việt Nam những công nghệ cũ, thiếu thân thiện và thậm chí hủy hoại môi trường.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam rất cần tư duy, thiết kế và xây dựng lại. Không thể tiếp tục chủ nghĩa thành tích thuần túy chỉ trông vào tăng trưởng (dù tăng trưởng không phải là không quan trọng), cũng như không thể để lợi ích cục bộ làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực của FDI.
Xét cho cùng, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, rất cần vốn và cạnh tranh trong khu vực là hết sức khốc liệt, thưa ông?
Đúng vậy. Trong những năm tới, vốn và cạnh tranh thu hút vốn giữa các nền kinh tế vẫn rất cần quan tâm. Nguồn nhân lực giá rẻ vẫn còn là lợi thế so sánh trong một số năm tới. Một số tài nguyên có thể vẫn cần được khai thác ở mức độ hợp lý. Song, tôi cho rằng thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là tránh được bẫy chi phí lao động thấp, bẫy thu nhập trung bình và tạo xung lực mới thúc đẩy tăng trưởng. Xung lực ấy chỉ có thể dựa trên tăng năng suất và phát triển nhanh, bền vững. Muốn vậy, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực tạo dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực, những thông lệ tốt nhất có thể.
Cụ thể, vai trò, chức năng của Nhà nước cần được định hình lại, theo hướng hạn chế sử dụng các công cụ can thiệp truyền thống; thay vào đó là tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, có thể tiên liệu; thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khuyến khích đầu tư và đổi mới hoặc chuyển giao công nghệ; cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những vấn đề này còn quan trọng hơn nhiều so với các ưu đãi thuế, thậm chí, trong nhiều trường hợp, ưu đãi thuế còn gây ra những phiền toái không cần thiết.
Đặc biệt, việc hình thành các cụm liên kết ngành (Industries Clutster - IC) là một hướng đi chính sách cần đặc biệt quan tâm. Các nhân tố tạo ra sự phát triển IC bao gồm môi trường thể chế chuyên nghiệp và thân thiện, thu dụng được nhân tài và lực lượng lao động có kỹ năng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; sự có mặt của các doanh nghiệp tiên phong, trong đó có vai trò của FDI, và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thuận lợi. Những giải pháp đó không chỉ tạo ra lực hút với FDI mà còn thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.
Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng hiện nay, khu vực tư nhân trong nước đã lớn mạnh hơn, họ cũng rất cần không gian phát triển và môi trường cạnh tranh công bằng với khối FDI?
Ý kiến đó là xác đáng. Chỉ có điều cần nói rõ là những hỗ trợ của Nhà nước phải phù hợp với các cam kết quốc tế. Pháp luật Việt Nam đã khẳng định FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, thành công của FDI cũng là thành công của Việt Nam.