Năm 1860, một số người Hoa ở Singapore sang Sài Gòn nhận thầu xây bến tàu trên bờ sông Sài Gòn để làm cảng xuất, nhập lúa gạo. Đến năm 1863, Cảng Sài Gòn chính thức trở thành thương cảng có quy mô bậc nhất tại Đông Dương.
Đúng 150 năm sau, Cảng Sài Gòn vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của TPHCM. Cảng Sài Gòn luôn là một trong những đơn vị có đóng góp lớn về mặt kinh tế và giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân TPHCM. Hoạt động của Cảng Sài Gòn trên bờ sông Sài Gòn vẫn nhộn nhịp, bất chấp những khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và cảng lại phải tiến hành di dời ra khỏi nội thành TPHCM theo Quy hoạch di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn.
Trong một buổi chiều cuối tháng 5-2013, trên sông Sài Gòn mưa lất phất, gió thổi mạnh nhưng gần chục chiếc tàu với nhiều quốc tịch đang cập bến Cảng Sài Gòn vẫn liên tục lên, xuống hàng. Nổi bật nhất trong số này có lẽ là tàu Hanjin của Hàn Quốc chở hàng trăm cuộn thép lớn. Con tàu đang nép mình vào cầu cảng cho cánh tay cẩu vươn ra bốc lấy từng cuộn thép. Tàu Win Honey của Hồng Công như một con cá lớn, há miệng nhận lấy từng container đang được xếp gọn ghẽ lên boong.
Cảng Sài Gòn có chiều dài cầu cảng khoảng 1.800m. 150 năm qua, bến cảng này đã đón nhận hàng triệu tàu ra, vào. Cột mốc đáng nhớ nhất có lẽ là vào ngày 13-5-1975. Con tàu mang tên Sông Hương có sức chở 10.000 tấn đã cập bến Cảng Sài Gòn, tiếp đó là tàu Đồng Nai xuất phát từ Cảng Hải Phòng đã đưa hàng trăm cán bộ và chuyển hàng ngàn tấn hàng cho miền Nam, ngay sau khi đất nước được thống nhất. Từ đó tới nay, nhiều con tàu lớn có trọng tải lên tới 30.000 tấn với chiều dài 200m đã cập cầu cảng an toàn.
Thực hiện Quy hoạch Di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TPHCM, Cảng Sài Gòn đã liên kết xây dựng và chủ động xây dựng thêm nhiều bến Cảng Sài Gòn. Cảng Sài Gòn bây giờ không chỉ nằm trên sông Sài Gòn mà có mặt ở nhiều nơi trên đất nước. Bên bờ sông Cái Mép - Thị Vải, trong khu cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cảng Sài Gòn liên doanh với Tập đoàn PSA-Singapore, xây dựng cảng SP-PSA, liên doanh với Tập đoàn SSA Marine của Hoa Kỳ, Tập đoàn Maersk A/S - Đan Mạch để xây dựng hai cảng nước sâu hiện đại. Cả 3 cảng mà Cảng Sài Gòn liên doanh có khoảng 2.000m chiều dài cầu cảng có thể tiếp nhận tàu đến 80.000 DWT ra vào. Năng lực xếp dỡ của 3 cảng lên đến hơn 3,5 triệu TEU/năm.
Bên bờ sông Hiệp Phước, thuộc huyện Nhà Bè, Cảng Sài Gòn đang xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước trên diện tích rộng 100ha. Khu cảng có tổng chiều dài bến 1.800m với năng lực thông qua khoảng 18 triệu tấn hàng hóa/năm, khả năng đón được tàu 50.000 tấn ra vào. Dự án đã hoàn thành được 38% khối lượng. Các hạng mục đã hoàn thành và các thiết bị được lắp đặt bao gồm: cầu tàu số 3 dài 200m, hai bến phao 30.000 DWT, 3 cẩu vạn năng, 6 gàu ngoạm, 3 phễu. Vừa qua, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã bắt đầu tiếp nhận tàu. Con tàu mang tên Maritime 36, trọng tải 5.000 tấn đã vào bốc xếp chuyến hàng đầu tiên tại Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.
Quy hoạch Di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TPHCM có hai mục tiêu chính. Đó là giúp giải quyết tình trạng quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông cho TPHCM và quan trọng hơn nữa, giúp các cảng biển trên sông Sài Gòn có cơ hội phát triển, mở rộng mạnh mẽ hơn. Ở lại trong khu nội thành TPHCM, do đất chật, các cảng không có cơ hội ấy. Thực hiện quy hoạch di dời cảng, bến Cảng Sài Gòn không còn chỉ nằm trên sông Sài Gòn cũng chính là để Cảng Sài Gòn phát triển hơn nữa.
| |
NGUYỄN KHOA