Hãng AFP ngày 28-10 đưa tin, một ngày sau khi Chính phủ Nhật Bản lên tiếng phản đối Trung Quốc gia tăng đe dọa quân sự, bốn tàu của Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (phía Trung Quốc gọi Điếu Ngư). Ngay lập tức, Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ và hối thúc Trung Quốc rút các tàu trên. Động thái này cho thấy quan hệ hai bên bước vào giai đoạn căng thẳng mới.
Nhật Bản tăng tốc đối phó
Theo Sở Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ bờ biển khu vực 11 ở Naha, tỉnh Okinawa, khi một tàu tuần tra của Nhật Bản tiếp cận và yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Nhật Bản, một trong bốn tàu trên đã đáp lại bằng tiếng Trung và tiếng Nhật rằng quần đảo không người ở này là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc kể từ thời xa xưa”. Đây là lần xâm nhập thứ 68 kể từ khi Chính phủ Nhật Bản mua một phần quần đảo này từ một chủ sở hữu tư nhân của Nhật Bản vào tháng 9-2012.
Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch muốn tăng cường vai trò quan trọng hơn ở khu vực châu Á và sửa đổi Hiến pháp hòa bình để quân đội Nhật Bản tăng khả năng ứng phó những biến chuyển toàn cầu. Dự kiến, những kế hoạch này sẽ được thảo luận tại kỳ họp quốc hội đang diễn ra tại Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe mới đây đã lên tiếng khẳng định các nước khác muốn Nhật Bản có một vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn ở châu Á để đối chọi lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Không chỉ phát đi tuyên bố cứng rắn, Nhật Bản còn có kế hoạch tiến hành xây dựng thêm đường băng thứ hai ở sân bay Naha vào tháng 1-2014 để tăng cường phòng thủ các hòn đảo ở Tây Nam, đối phó với máy bay quân sự Trung Quốc. Tokyo tuyên bố sẽ bắn hạ máy bay do thám xâm phạm không phận, trong khi Bắc Kinh cho rằng các máy bay của họ không bao giờ xâm phạm không phận nước khác. Cuối tuần qua, Nhật Bản liên tục triển khai chiến đấu cơ giám sát sau khi 4 máy bay quân sự Trung Quốc bay qua vùng biển quốc tế gần chuỗi đảo tranh chấp ở Okinawa. Tokyo còn tổ chức cuộc diễu binh thường niên tại trại huấn luyện Asaka, ngoại ô thủ đô Tokyo, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Gần 4.000 binh sĩ và hơn 50 máy bay tham gia sự kiện trên. Phát biểu trước binh lính trong cuộc diễu binh, Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục nhấn mạnh tình hình an ninh quốc gia đang ngày càng nghiêm trọng do những đe dọa đối với chủ quyền Nhật Bản.
Cùng ngày, Trung Quốc đã chỉ trích việc Nhật Bản nhiều lần có những bình luận khiêu khích, đồng thời cáo buộc Tokyo phá vỡ nguyên trạng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Kêu gọi hòa giải
Các chuyên gia phân tích nhận định, thái độ gia tăng căng thẳng giữa hai bên nhiều khả năng khiến các cuộc đối thoại song phương về quần đảo tranh chấp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Hai bên đã có một số cuộc tiếp xúc để thảo luận giải quyết tranh chấp nhưng đến nay vẫn chưa thu được kết quả khả quan. Trong cuộc thảo luận về Senkaku/Điếu Ngư diễn ra ngày 27-10 tại Bắc Kinh, các chuyên gia của hai phía nhấn mạnh sự cần thiết phải khởi động cuộc đối thoại song phương cấp chính phủ để xoa dịu căng thẳng hai bên.
Trong cuộc thảo luận, các doanh nhân, học giả và phóng viên cũng kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết các vụ tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và rút ra bài học lịch sử nhằm phát triển quan hệ song phương, nhằm tránh làm tổn hại quan hệ kinh tế hai bên. Theo kế hoạch ban đầu, cuộc thảo luận trên dự kiến tổ chức vào ngày 12-8 nhân kỷ niệm 35 năm ngày hai nước ký hiệp định hòa bình và hữu nghị song phương nhưng đã được hoãn lại theo yêu cầu của phía Trung Quốc.
THANH HẰNG (Tổng hợp)