Cảnh báo thay vì “canh me” xử phạt

LTS: Khi phân tích thực trạng có nhiều người xem thường luật giao thông, nhiều bạn đọc Báo SGGP đề cập đến trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Nhiều ý kiến lưu ý: CSGT cần có thái độ làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm hơn để giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT), chứ không phải chỉ chăm chăm thu tiền phạt.
Cảnh báo thay vì “canh me” xử phạt

LTS: Khi phân tích thực trạng có nhiều người xem thường luật giao thông, nhiều bạn đọc Báo SGGP đề cập đến trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Nhiều ý kiến lưu ý: CSGT cần có thái độ làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm hơn để giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT), chứ không phải chỉ chăm chăm thu tiền phạt.

  • Sao không thị uy mà lại hóa trang?

Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ vẫn đang ở mức nghiêm trọng. Để giảm TNGT, mới đây Bộ Công an đã ban hành Thông tư 65/2012 (thay Thông tư 27) cho phép lực lượng CSGT hóa trang, mặc thường phục nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT trong phạm vi địa bàn được phân công. Với thực trạng TNGT đường bộ đã đến mức báo động hiện nay, mọi biện pháp đều rất cần thiết. Tuy nhiên việc Bộ Công an cho phép lực lượng CSGT được phép hóa trang, mặc thường phục để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT cần xem xét cẩn trọng hơn.

Hầu hết đối tượng vi phạm luật giao thông là người điều khiển phương tiện giao thông đang lưu thông hay dừng, đậu trên đường chứ không phải là tội phạm nguy hiểm, mưu mô xảo quyệt đến mức CSGT phải hóa trang để bắt quả tang. Đối với lực lượng CSGT đã được đào tạo qua trường lớp, không quá khó để phát hiện hành vi vi phạm luật giao thông. Nhiệm vụ chính của lực lượng CSGT là điều khiển, hướng dẫn để người dân đi lại trật tự, an toàn, chấp hành đúng luật giao thông; còn việc bắt phạt chỉ nhằm răn đe các đối tượng cố tình vi phạm ATGT. Chính vì vậy, hình ảnh người CSGT mặc quân phục đứng chốt tại các ngã tư hay đi tuần tra trên đường có tác dụng thị uy, cảnh báo rất lớn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Một trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị CSGT lập biên bản phạt. Ảnh: Thanh Hải
Một trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị CSGT lập biên bản phạt. Ảnh: Thanh Hải

Thực tế ở một số nước, thay vì núp rình chờ người điều khiển xe vi phạm ATGT để thu phạt như CSGT nước ta, chính ngành CSGT còn dựng hình nộm CSGT bên đường để cảnh báo, nhắc nhở người đi đường chú ý điều khiển xe đúng luật giao thông. Cách làm đơn giản đó đã phát huy hiệu quả, người đang phóng xe quá tốc độ ở các đoạn đường dễ xảy ra TNGT lập tức giảm tốc độ, nhờ vậy giảm được TNGT.

Qua đó cho thấy việc Bộ Công an cho phép CSGT hóa trang, mặc thường phục để trà trộn trên đường nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn các đối tượng có hành vi vi phạm ATGT là không cần thiết và còn có thể gây ra sự căng thẳng, phản cảm đối với người dân. Chưa kể bọn tội phạm sẽ dễ dàng nhân danh CSGT chặn người đang lưu thông trên đường để trấn lột, hãm hại.

TRẦN HIỀN (Bình Thạnh, TPHCM)

  • Áo xanh không thay được áo vàng

Từ ngày tại các góc giao lộ TPHCM xuất hiện lực lượng thanh niên xung phong - mà người dân quen gọi là “thanh niên áo xanh” - tham gia vào việc giữ gìn trật tự, điều khiển giao thông, phân luồng tuyến đã góp phần ổn định trật tự giao thông đường phố. Tuy nhiên, áo xanh chỉ giữ vai trò nhắc nhở mọi người chấp hành trật tự giao thông chứ không thể là lực lượng làm thay nhiệm vụ của CSGT. Bằng chứng là tại các giao lộ có thanh niên áo xanh cầm còi, cầm cờ, vẫn có không ít người lái xe thản nhiên lấn tuyến, vượt đèn đỏ. Ai cũng hiểu áo xanh không có thẩm quyền xử phạt và ở nhiều giao lộ, đôi khi hình ảnh áo xanh có vẻ bị… thừa. Nhưng về sau này người dân nhận ra một hiện tượng kỳ lạ: Trên nhiều tuyến đường và giao lộ hiện nay, người ta thấy không ít CSGT chỉ lo… xử phạt, còn mọi việc giữ trật tự ATGT, giải quyết ùn tắc giao thông… đều giao phó hết cho thanh niên áo xanh. Thế là phóng nhanh, lấn tuyến, vượt đèn đỏ… vẫn tiếp tục diễn ra. Gặp áo xanh thì người ta vẫn không ngần ngại vi phạm trật tự ATGT nhưng nếu có áo vàng thì chắc chắn không.

Tình hình giao thông tại TPHCM còn rất phức tạp, vẫn còn đó nạn kẹt xe vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường, những hành vi vi phạm ATGT vẫn diễn ra và số người tử vong do các vụ TNGT vẫn ở mức trầm trọng. Trong bối cảnh đó, vai trò của CSGT hết sức cần thiết và có tác dụng rõ rệt. Hãy trả người CSGT về đúng với vị trí trực tiếp tham gia điều khiển giao thông chứ không phải cứ mải lo bắt phạt để thu khoản tiền phạt được trích lại cho CSGT.

NGUYỄN SANG (Bình Thạnh, TPHCM)

  • Sao lại đặt chốt bắt phạt ở dốc cầu?

Theo cách hiểu của người dân, CSGT có nhiệm vụ điều tiết giao thông nhằm tránh ùn tắc tại các giao lộ, hướng dẫn người dân tuân thủ đúng luật giao thông và đảm bảo ATGT để hạn chế TNGT. Thế nhưng thực tế hiện nay, CSGT lại ít có mặt ở giao lộ để điều khiển phương tiện giao thông mà chỉ “canh me” bắt phạt. Điều đáng trách là nhiều khi CSGT “đặt chốt” thổi còi dừng xe, bắt phạt người điều khiển phương tiện giao thông ngay tại những làn đường hẹp, lưu lượng xe lớn hoặc ngay khúc đường không được phép dừng, đậu. Cách làm đó gây phản cảm và rất nguy hiểm.

Tại dốc cầu Bình Triệu phía Bình Thạnh, hầu như cứ vào giờ cao điểm là có tổ CSGT đứng đón chặn, kiểm tra các xe đang trên cầu chạy xuống. Việc chặn xe ngay dốc cầu rất nguy hiểm và vi phạm luật giao thông. Chưa kể nhiều đối tượng chở hàng cồng kềnh, chở ba khi phát hiện dưới dốc cầu có CSGT đã né phạt bằng cách dừng xe trên cầu hay quay đầu xe chạy ngược chiều, dễ gây ùn tắc và dễ xảy ra TNGT.

Tương tự, ngay dốc cầu Bình Triệu phía Thủ Đức, cứ vào giờ tan tầm, các phương tiện giao thông từ trung tâm thành phố ào ra ngoại thành cũng là lúc CSGT lập chốt phạt. Để chặn dừng xe của người vi phạm luật giao thông, nhiều lúc CSGT chạy ra giữa đường, trong lúc các phương tiện giao thông đang đổ dốc, tốc độ cao rất nguy hiểm đối với CSGT cũng như người đi đường. Thiết nghĩ, việc bắt phạt những đối tượng cố tình vi phạm luật giao thông là cần thiết, tuy nhiên, CSGT cũng chỉ được phép lập chốt ở những nơi đảm bảo việc dừng, đậu xe. Không thể phạt người vi phạm luật giao thông bằng việc chính CSGT xem thường trật tự ATGT. 

  HOÀNG NHÂN (Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục