Đào tạo CNTT cho người khuyết tật

Cánh cửa tương lai đã mở

Thêm 83 học viên khuyết tật được đào tạo nghề IT
Cánh cửa tương lai đã mở

(SGGP).- Buổi lễ bế giảng và cấp chứng chỉ tốt nghiệp khóa học kỹ thuật viên đồ họa lần 1-2009 (BPO1) dành cho người khuyết tật, do Trung tâm Dạy nghề kỹ thuật cao (thuộc Trường Đại học Dân lập Văn Lang) thực hiện thí điểm, với sự tài trợ của tổ chức CRS, đã diễn ra trong không khí trang trọng, tràn ngập tình yêu thương và sự cảm phục trước tinh thần kiên cường vượt khó của 23 học viên có số phận kém may mắn…

Gây xúc động nhất là hình ảnh bạn Nguyễn Kim Thanh (sinh năm 1982), quê ở Đắc Lắc, được hai người bạn dìu từng bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp. Hậu quả của di chứng chất độc da cam đã làm cơ thể Thanh bị co rút, đầu và tứ chi quặt quẹo, biểu hiện vui mừng của em chỉ là cử chỉ cố dùng hết sức điều khiển đôi tay dị tật co rút đong đưa.

Em Nguyễn Kim Thanh, nạn nhân chất độc da cam, điển hình vượt khó của lớp kỹ thuật viên đồ họa BPO1, tại buổi nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: Lương Tri

Em Nguyễn Kim Thanh, nạn nhân chất độc da cam, điển hình vượt khó của lớp kỹ thuật viên đồ họa BPO1, tại buổi nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: Lương Tri

Em Lương Thị Thùy (sinh năm 1990) bị teo hai chân, quê ở Quảng Ngãi, học viên đạt loại giỏi của lớp BPO1, xúc động cho biết: “Lúc mới bước chân vào lớp học em không có chút kiến thức gì về vi tính, nhưng nhờ sự dạy dỗ tận tâm của thầy cô và nỗ lực của bản thân, đến hôm nay em đã đạt được kết quả học tập tốt. Em biết ơn sự quan tâm của nhà trường và nhà tài trợ. Em mong muốn sẽ sớm có việc làm”.

Cùng chung niềm vui như Thùy, một học viên tốt nghiệp loại giỏi khác của lớp BPO1, em Đoàn Thị Hợi (sinh năm 1986) quê ở Thanh Hóa, bị khuyết tật cột sống và chân, nói giọng rất vui: “Em xin gửi tấm lòng biết ơn đến nhà tài trợ và các thầy cô đã tạo điều kiện cho chúng em có cơ hội học tập để vươn lên. Bây giờ, em rất tự tin về bản thân, vì đã có thể kiếm được một công việc thích hợp để tự lo cho mình như bao người bình thường khác”.

Nhận xét về khóa học, thầy Trần Phan Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề kỹ thuật cao, nói: “Công nghệ thông tin (CNTT) với các môn như đồ họa và lập trình là những môn học tương đối khó. Người bình thường học môn này đã khó thì đối với người khuyết tật còn khó gấp nhiều lần. Có lúc chúng tôi tưởng các em khó qua được, vậy mà cuối cùng tất cả đều thi đậu và đậu cao, không có trường hợp nào bỏ cuộc giữa chừng. Tôi vô cùng trân trọng và khâm phục ý chí, sự nỗ lực hết mình của các em...”.

Chúng tôi được biết, điều đáng mừng là ngay khi các em đang học đã có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT đến “đặt hàng”, sẵn sàng tiếp nhận các em vào làm việc nếu đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cụ thể như trường hợp của em Phương Quế Chi đã được Công ty GHP, một công ty chuyên về thiết kế và làm tranh ảnh cao cấp cho Pháp, tuyển vào làm việc tại Công viên Phần mềm Quang Trung với mức trên 2 triệu đồng/tháng.

Một trong những đơn vị đầu tiên đã tiếp nhận các học viên khuyết tật tốt nghiệp lớp BPO1 vào làm việc với số lượng khá đông (10 em) là Chi cục Thuế quận 1. Trao đổi về quyết định tuyển các học viên người khuyết tật vào công tác tại đơn vị, ông Đinh Khắc Phúc, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế quận 1, cho biết: “Người khuyết tật có hạn chế nhất định so với người bình thường, nhưng nếu biết sắp xếp đưa vào một công đoạn thích hợp của công việc, thì họ lại phát huy rất tốt thế mạnh của mình. Hiện tại đơn vị chúng tôi có hơn 20 người khuyết tật đang làm việc, đa số tập trung vào mảng CNTT và họ không những làm tốt mà còn sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ cao, đóng góp không nhỏ cho ngành, như các phần mềm quản lý về thuế. Tôi mong rằng sắp tới sẽ có nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp mạnh dạn tiếp nhận và khai thác những ưu điểm của người khuyết tật, để giúp họ có cơ hội tự khẳng định mình”.

MAI NGUYỄN

Thêm 83 học viên khuyết tật được đào tạo nghề IT

50 sinh viên khuyết tật tại Việt Nam đã bắt đầu khóa học quản lý CNTT và kỹ sư phần mềm kéo dài 12 tháng. Ngoài ra, có 33 sinh viên khiếm thị và khiếm thính cũng đã đăng ký tham gia khóa học 3 tháng về CNTT do USAID phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Hà Nội (HCIT) tổ chức. Đây là các chương trình trong khuôn khổ sáng kiến do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Đại diện USAID, ông Francis A. Donovan, nói: “Qua việc tăng cường kỹ năng cho các học viên khuyết tật, chúng ta có thể giúp họ tìm được việc làm độc lập và có chỗ đứng trong xã hội. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ trở thành hình mẫu cho các sáng kiến tương tự, hướng đến số lượng người khuyết tật lớn hơn nữa”.

Với ngân sách từ USAID, đến nay đã có 75 sinh viên hoàn thành các khóa học 1 năm ở Hà Nội, trong số đó 64 người đã tìm được việc làm.

Dự kiến đến năm 2010, khi kết thúc dự án, 125 thanh niên khuyết tật Việt Nam sẽ hoàn thành chương trình đào tạo kỹ sư phần mềm và sẽ tìm được việc làm trong ngành máy tính đang phát triển của Việt Nam.

M.THẢO 

Tin cùng chuyên mục