Cảnh giác trước bước đi mới của Taliban

Taliban đã thành lập một tiểu đoàn đặc biệt gồm các chiến binh đánh bom liều chết. Lực lượng này sẽ được điều tới vùng Đông Bắc Afghanistan, chủ yếu là tại tỉnh Badakhshan - nơi giáp biên giới với Tajikistan và Trung Quốc. Điều này gây lo ngại với các nước láng giềng và cả Nga, Mỹ.

Nguy cơ hiện hữu

Phó Tỉnh trưởng tỉnh Badakhshan Mullah Nisar Ahmad Ahmadi cho biết, tiểu đoàn đặc biệt được đặt tên là Lashkar-e-Mansoori (đội quân Mansoor), tương tự như đội quân tiến hành các vụ tấn công liều chết nhằm vào lực lượng an ninh của chính quyền Afghanistan trước đây. Ông Ahmadi nêu rõ: “Những chiến binh mặc áo gilê có chất nổ và kích nổ các căn cứ của Mỹ ở Afghanistan. Đây là những người thực sự không sợ hãi, những người cống hiến hết mình vì Thánh Allah”. Cùng với Lashkar-e-Mansoori, Badri313 là một tiểu đoàn khác cũng được trang bị tối tân, đã được triển khai tới sân bay quốc tế Kabul. Toàn bộ thành phần của Badri313 cũng được cho là các chiến binh đánh bom liều chết.

Hệ thống tên lửa Buk trong cuộc tập trận đa quốc gia ở Donguz, Đông Nam nước Nga
Kể từ khi trở lại điều hành Afghanistan, Taliban vẫn chưa từ bỏ quan hệ với Al-Qaeda. Rất nhiều ý kiến lo ngại việc lực lượng Taliban tiếp quản Afghanistan có thể dẫn đến sự gia tăng khủng bố trong khu vực. Các chuyên gia cảnh báo việc Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan sẽ truyền cảm hứng cho phong trào thánh chiến toàn cầu. Theo ông Michael Kugelman, Phó Giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson (Mỹ), trong số các thành viên Chính phủ Afghanistan hiện nay có cả các thành viên của mạng lưới Haqqani, được biết đến là phe tàn bạo nhất của Taliban. Trong các cuộc họp báo, Taliban cam kết sẽ không chứa chấp những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, báo cáo của Interpol mới đây cho biết, các thủ lĩnh của Al-Qaeda vẫn cư trú ở khu vực biên giới Afghanistan và Pakistan. Hơn nữa, trong chiến dịch lật đổ Chính phủ Afghanistan, Taliban đã thả hàng ngàn tù nhân, trong đó có nhiều đặc nhiệm Al-Qaeda.


Các nước hợp tác chống khủng bố

Gần đây, Nga tiến hành hàng loạt cuộc tập trận cùng với các đồng minh từ Trung Á. Cuộc tập trận mới nhất tại trường huấn luyện Donguz ở vùng Orenburg của Nga vào cuối tháng 9 mang tên “Sứ mệnh Hòa bình - 2021”, có 9 quốc gia tham gia, bao gồm Pakistan, Uzbekistan, Tajikistan và Trung Quốc vốn có chung biên giới với Afghanistan. Cuộc tập trận tập trung vào các hoạt động chống khủng bố quy mô lớn.

Theo CNBC, ông Temur Umarov, nhà tư vấn nghiên cứu của Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết, Nga đang công khai các cuộc tập trận quân sự của họ nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Afghanistan có nguy cơ ảnh hưởng tới khu vực. Nga cũng mong muốn cùng với các nước Trung Á và láng giềng của Afghanistan hợp tác chống khủng bố. Các cơ quan an ninh Nga gần đây đã bắt giữ 15 nghi can khủng bố đang hoạt động ở thành phố Yekaterinburg, cách Moscow khoảng 1.800km về phía Đông. Các quan chức Nga cho biết, phần lớn các nghi can đến từ các quốc gia ở Trung Á, là những người ủng hộ Taliban và cố gắng tuyển dụng người dân địa phương tham gia vào các tổ chức khủng bố.

Tin của Times of India cho biết, trong các cuộc đàm phán quân sự giữa Nga và Mỹ, Washington mong muốn được sử dụng các căn cứ quân sự của Nga ở Trung Á để tấn công các mục tiêu ở Afghanistan do Taliban kiểm soát, nơi các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tàn dư của Al-Qaeda vẫn đang hoạt động. Trước đó, trang tin tức India Narrative cho biết, Nga cũng đã ngỏ ý cho Mỹ sử dụng các căn cứ này để chống khủng bố. 

Ngoài ra, theo Politico, Mỹ đang đàm phán với các quốc gia có biên giới với Afghanistan về các hoạt động chống khủng bố, cho phép quân đội Mỹ dễ dàng khảo sát và tấn công các mục tiêu tại Aghanistan. Mỹ đã thực hiện hai cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu của IS ở Afghanistan do Taliban kiểm soát từ các căn cứ của Mỹ tại các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên, điều này được coi là kém hiệu quả vì các căn cứ ở quá xa mục tiêu.

Tin cùng chuyên mục