Cảnh giác trước những chiếc bẫy

Thông tin trên một số báo vừa qua cho biết, những ngày gần đây, tại tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung, miền Bắc lại rộ lên phong trào săn ong bầu để bán cho đầu nậu xuất qua biên giới. Người dân được những người “lạ mặt” mang theo dụng cụ đến tận những vùng quê xa xôi bán và hướng dẫn cách thức săn ong.

Bộ dụng cụ bắt ong gồm bếp dầu, tấm sắt tròn, vợt lưới và gói mồi nhử có mùi thơm như phấn hoa (giá khoảng 50.000 đồng/bịch). Cách đánh bắt ong được mô tả: đưa toàn bộ dụng cụ ra ngoài đồng, trộn mồi nhử với ít đường rồi để vào tấm sắt, đun trên bếp dầu. Khói từ mồi nhử hòa với đường tạo ra mùi thơm quyến rũ như phấn hoa, cứ thế lan theo chiều gió. Trong phạm vi 5 - 10km, loài ong ngửi thấy sẽ bay về khu vực đốt, lúc đó người săn chỉ việc lấy vợt ra bắt. Theo các bài báo trên, chỉ trong ít ngày, có người săn được cả chục ký ong đã phơi khô. Mỗi ký ong tươi được thu mua với giá 500.000 đồng, ong phơi khô có giá 1 triệu đồng/kg.

Vậy là sau những “thảm họa” mang những cái tên thôn dã như: dứa, khoai lang, dừa, đỉa, râu bắp, gỗ sưa, móng trâu, mèo… đến giờ không chỉ nông dân mà cả nền kinh tế Việt Nam còn ngậm đắng nuốt cay vì bị sập bẫy những kẻ ác tâm. Giờ đây lại đến thảm họa mang tên loài ong. Ai cũng biết, ong vốn là một loài côn trùng có ích, chuyên thụ phấn cho các loại nông sản. Với người nông dân, từ ngàn đời nay, chúng thân thiết như những người bạn, người thợ cần mẫn. Cùng với những cơn gió trời, ong có vai trò thụ phấn cho 90% các loại nông sản (rau, hoa quả, cây trồng lấy hạt). Oái oăm thay, giờ đây loài ong ở Việt Nam lại đang bị săn bắt triệt để, bởi chiếc bẫy thâm độc được giăng ra trước những người nông dân chất phác, nghèo khó.

Lâu nay, có vẻ chúng ta ít chú trọng đến những chiếc bẫy mang tính “du kích” nhưng lại cực kỳ chiến lược và nguy hiểm như những phong trào tưởng như “đôi bên cùng có lợi” kiểu như vậy.

Để bảo vệ lợi ích người nông dân, ngành nông nghiệp và rộng ra là lợi ích của đất nước, góp phần phòng tránh những bất ổn xã hội nảy sinh, đòi hỏi chúng ta phải chú trọng đúng mức đến những vấn đề như thế này. Vai trò của các cơ quan chức năng, hội đoàn, chính quyền từ cấp trung ương đến địa phương như ngành NN-PTNT, công thương, các hiệp hội ngành nghề, ngành tuyên giáo, thông tin – truyền thông và chính quyền các địa phương… cần được phát huy và nâng cao trách nhiệm trong việc chủ động phối hợp nắm bắt thông tin, dự báo tình hình, kịp thời có biện pháp ứng phó với những vấn đề phát sinh, đặc biệt là việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.

Để việc lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ứng phó, ngăn chặn kịp thời những “đòn hiểm” kiểu như trên, theo chúng tôi, nên hình thành một ủy ban liên ngành cấp quốc gia hoạt động theo ngành dọc, thành phần bao gồm các lực lượng chuyên môn ở tất cả các cơ quan liên quan cũng như các địa phương. Với cơ cấu thành phần “hai trong một” như vậy, tổ chức này có đủ thẩm quyền và điều kiện thuận lợi trong việc sẵn sàng phối hợp các lực lượng triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, bài bản, đồng bộ trước các vấn đề phức tạp nảy sinh một cách thông suốt từ trung ương đến các địa phương .

Phạm Phương Đông

Tin cùng chuyên mục