Cảnh giác với những vụ giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo

Vấn nạn giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo đã được nhiều cơ quan báo chí thông tin, cảnh báo. Mới đây, Cục Chính trị Quân khu 7 đã gửi công văn đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An đề nghị phối hợp phòng, chống loại tội phạm này.

Nhiều đối tượng giả danh bộ đội

Thời gian gần đây, tình trạng giả danh cán bộ quân đội, làm mất uy tín cũng như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng có dấu hiệu gia tăng. Để qua mặt lực lượng chức năng và tạo niềm tin của người dân, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, phương pháp luôn được đổi mới, đặc biệt thông qua mạng xã hội Zalo, facebook.

Theo lực lượng chức năng tỉnh Long An, vào lúc 9 giờ 41 phút ngày 9-12-2023, một đối tượng dùng số điện thoại 0334.698... tự giới thiệu “tên Hoàng, Tham mưu phó Huyện đội huyện Đức Huệ, mới chuyển từ tỉnh Long An về huyện”, liên hệ với bà Huỳnh Thị Xuân Chào ở xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) đặt mua 300kg gạo, hẹn chiều cùng ngày lên nhận. Một lúc sau, đối tượng trên tiếp tục liên hệ với bà Chào để xin số điện thoại của tiệm tạp hóa gần đó mua thêm đồ. Bà Chào cho số điện thoại của ông Võ Thành Sơn bán tạp hóa gần nhà. Sau đó, đối tượng này liên hệ với ông Sơn đặt bột ngọt, mì ăn liền, dầu gội đầu... và đề nghị giao đến Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Đức Huệ.

Sau khi chuẩn bị hàng hóa, ông Sơn gọi vào số điện thoại trên đề nghị đối tượng chuyển tiền để giao hàng nhưng đối tượng không thực hiện và tắt điện thoại, khóa Zalo. Qua sự việc trên, ông Sơn trình báo chính quyền địa phương, đồng thời cảnh báo người dân cẩn trọng tránh bị lừa đảo quấy rối. “Người dân ở vùng biên giới Đức Huệ rất quý trọng, thương yêu bộ đội. Vì vậy, khi đối tượng này xưng là bộ đội, chúng tôi tin tưởng và thực hiện, cũng may tôi yêu cầu chuyển tiền trước, chứ không thì bị lừa rồi”, ông Sơn nói.

Tương tự, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 12-12-2023, anh Hồ Ngọc Luân, nhân viên giao hàng của một doanh nghiệp có trụ sở tại huyện Củ Chi, TPHCM đến cổng Ban CHQS huyện Đức Huệ để giao hàng cho người tự xưng là “Hoàng Văn Tân, cán bộ hậu cần công tác tại đơn vị” đặt hàng qua ứng dụng Zalo. Tuy nhiên khi đến nơi theo giờ hẹn thì đối tượng tắt máy. Vụ việc được anh Luân vào trình báo với đơn vị.

s4c-147.jpg
Đối tượng Nguyễn Quốc Thái giả danh sĩ quan quân đội và màn hình Zalo trao đổi giữa người dân và một đối tượng giả danh sĩ quan quân đội. Ảnh: Công an cung cấp
s4b-9209.jpg

Manh động hơn, các đối tượng còn trực tiếp giả bộ đội đi xin tiền hỗ trợ của người dân. Sự việc xảy ra vào lúc 16 giờ 30 ngày 4-9-2023, tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc (Long An), một đối tượng mặc quân phục sĩ quan quân đội, cấp bậc thiếu tá, đến các cơ sở kinh doanh và nhà dân để quyên góp tiền theo kiểu tùy lòng hảo tâm. Nhiều người dân trong khu vực đã tin tưởng và ủng hộ từ 100-200 ngàn đồng. Tuy nhiên, một số người dân nghi ngờ đã báo chính quyền địa phương, đối tượng bị đưa về Công an xã Phước Lại để điều tra sự việc.

Tại trụ sở công an, đối tượng khai tên Nguyễn Quốc Thái (sinh năm 1965, ngụ quận 11, TPHCM), không phải là sĩ quan quân đội, không có nghề nghiệp ổn định, muốn kiếm tiền tiêu xài cá nhân nên mua quân phục giả rồi đến vùng nông thôn quyên góp tiền “hỗ trợ cho bộ đội”. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ quân phục và một số tiền Thái vừa đi xin quyên góp được, đồng thời điều tra, xử lý theo quy định.

Người dân cẩn trọng

Thượng tá Bùi Quang Ngọc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đức Huệ, xác nhận, đơn vị không có ai tên là Hoàng hay Hoàng Văn Tân. Vụ việc đã được Ban CHQS huyện Đức Huệ báo cáo các cơ quan cấp trên, đồng thời cử cán bộ tiến hành tuyên truyền đến từng ấp cho người dân nắm, cảnh giác, để không bị kẻ xấu lợi dụng gây thiệt hại về tài sản, tiền bạc, làm mất uy tín, danh dự, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Từ tháng 5-2023 đến nay, trên địa bàn Quân khu 7 đã nhận được 64 vụ trình báo của người dân về việc việc có người giả danh, mạo danh cán bộ nhân viên trong quân đội thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục Chính trị Quân khu 7, nguyên nhân của những vụ việc trên là do người dân thiếu cảnh giác, tin tưởng chuyển khoản đặt hàng, giao hàng khi chưa xác thực thông tin; mặt khác, một phần vì ham lợi nhuận cao, chấp nhận giao dịch với đối tượng lạ, ứng tiền nhập các loại hàng hóa mà cửa hàng của mình không kinh doanh, dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản. Việc này gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 7.

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tình trạng giả danh, mạo danh cán bộ quân đội để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời nắm tình hình dư luận trên địa bàn, đồng thời thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trên địa bàn về các hành vi, thủ đoạn mạo danh, giả danh quân nhân, cơ quan, đơn vị trong quân đội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân; nâng cao cảnh giác của nhân dân trước các phương thức, thủ đoạn lợi dụng hình ảnh, uy tín của quân đội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục