Cạnh tranh “bẩn” thời công nghệ

Thời gian gần đây, cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn khi các đối thủ cạnh tranh sử dụng không gian mạng xã hội để tung thông tin bất lợi cho đối thủ, cũng như có lợi cho doanh nghiệp của mình. Vậy đâu là giải pháp để giữ cho môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp được lành mạnh?
Cạnh tranh “bẩn” thời công nghệ

Câu chuyện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là trường hợp điển hình. Chỉ đơn giản với hành động tung thông tin thiếu căn cứ, mập mờ về chất lượng nguồn nguyên liệu sữa, công ty này đã phải đối mặt với nguy cơ mất hàng tỷ đồng vốn hóa trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, ông Phan Minh Tiên, Giám đốc Điều hành Khối Marketing Vinamilk, khẳng định để phục vụ sản xuất các sản phẩm sữa tươi, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu.

Vinamilk hiện có 12 trang trại bò sữa, đồng thời công ty đang hợp tác và ký hợp đồng trực tiếp với gần 6.000 hộ chăn nuôi bò sữa. Đàn bò đang cung cấp sữa cho Vinamilk hiện có gần 130.000 con, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu bình quân từ 950 - 1.000 tấn/ngày.

Không những thế, để sản xuất các sản phẩm sữa nói chung, ngoài việc sử dụng nguyên liệu trong nước, Vinamilk cũng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Nguyên liệu được Vinamilk nhập khẩu để sản xuất sữa bột đều có xuất xứ, nguồn gốc 100% từ các nước Mỹ, Australia, New Zealand, EU và Nhật Bản. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường hơn 50 nước trên thế giới, trong đó có những quốc gia kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu rất kỹ như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Trước tình huống này, công ty đã buộc phải có thông báo phản bác thông tin thất thiệt đang gây ra những hệ lụy xấu cho doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh hay còn gọi “thiếu đạo đức trong kinh doanh” hiện đang diễn ra khá phổ biến. Đối tượng chịu tổn hại không dừng lại doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp có thương hiệu và thị phần lớn, mà còn có cả nông dân.

Đơn cử, chỉ với thông tin chuối (vào năm 2012), bưởi (năm 2007), nước mắm (năm 2017)… của Việt Nam có chất gây ung thư mà hàng ngàn nông hộ trồng chuối ở Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Đồng Tháp và cả ngàn cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam điêu đứng vì sản phẩm bị tẩy chay trên thị trường trong và ngoài nước.

Trên thực tế, phần lớn nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp trong nước có nội lực vốn yếu, lại thiếu kinh nghiệm trong đầu tư phát triển và bảo vệ thương hiệu, đầu tư cho công nghệ thông tin, cải tiến quy trình quản trị… Lợi dụng vấn đề này, nhiều đối thủ hoặc đối tượng nước ngoài đã đưa thông tin sai lệch, gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước đây, việc thông tin chưa có không gian mạng còn được kiểm soát, do các đơn vị truyền thông có quy trình kiểm soát thông tin chặt chẽ. Những thông tin có tính triệt hạ đối thủ sẽ được xem xét, cân nhắc và thẩm định. Tuy nhiên, với công nghệ 4.0 như hiện nay, những thông tin trên mạng xuất hiện tràn lan mà khâu kiểm duyệt gần như rất khó can thiệp.

Không chỉ vậy, với những đối tượng đưa thông tin sai lệch ở phạm vi trong nước thì có thể bị chế tài từ cơ quan chức năng. Còn với những đối tượng đưa thông tin sai lệch có nguồn từ nước ngoài thì hiện rất khó kiểm soát cũng như xử lý.

Do vậy, cần thiết cơ quan chức năng ngoài việc áp dụng những biện pháp chế tài mạnh theo hướng xử lý hình sự, cần có sự mở rộng trong hợp tác quốc tế để xử lý những thông tin sai phát tán trên mạng. Có như vậy mới đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục