Cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch: Gia hạn vẫn gặp... hạn

Cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch: Gia hạn vẫn gặp... hạn

Thời hạn cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên (HDV) du lịch mới được Tổng cục Du lịch Việt Nam triển khai đến các địa phương đã không thể hoàn thành theo quy định vào cuối tháng 9-2010. Thêm gia hạn đến hết tháng 11-2010 nhưng tỷ lệ HDV đủ điều kiện để được cấp thẻ mới vẫn còn thấp vì vướng nhiều quy định. Lực lượng HDV du lịch Việt Nam vốn đã thiếu, có nguy cơ thiếu nghiêm trọng hơn nếu ngành du lịch Việt Nam không có cách xử lý linh hoạt.

Hướng dẫn viên du lịch đang giới thiệu về TPHCM với khách du lịch Hàn Quốc. Ảnh: Kim Ngân

Hướng dẫn viên du lịch đang giới thiệu về TPHCM với khách du lịch Hàn Quốc. Ảnh: Kim Ngân

Đổi thẻ từ

Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết, thực hiện Thông tư 89/2008 của Bộ VH-TT-DL và các công văn số 519/TCDL-LH ngày 1-7-2010, 619/TCDL-LH ngày 26-8-2010 của Tổng cục Du lịch về việc cấp, đổi thẻ HDV du lịch, ngành du lịch TP đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thời hạn hoàn thành vào tháng 9-2010 như quy định đề ra đã không hoàn thành vì gặp nhiều khó khăn. Tổng cục Du lịch đã gia hạn thêm thời gian thực hiện đến cuối tháng 11-2010. Tuy nhiên, tiến độ triển khai vẫn không thể đạt như ý muốn, tỷ lệ HDV đáp ứng đủ yêu cầu được cấp thẻ mới còn ít. Trước đây, chỉ có HDV quốc tế được cơ quan ngành du lịch cấp thẻ, còn HDV nội địa sử dụng thẻ do công ty du lịch cấp. Theo quy định mới, HDV quốc tế sẽ đổi từ thẻ giấy sang thẻ từ, còn HDV nội địa cũng sẽ nhận thẻ do cơ quan quản lý du lịch cấp. Thẻ có giá trị sử dụng trong 3 năm và có mã số để quản lý trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết, thực hiện việc cấp thẻ mới (loại thẻ từ), đến cuối tháng 10-2010, Sở VH-TT-DL TP đã cấp được 843 thẻ HDV quốc tế và 257 thẻ HDV nội địa. Con số này chưa đáp ứng được việc phục vụ khách du lịch đang tăng trưởng nhanh tại TP. Đặc biệt khi mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Hiện nay, đối với HDV sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, tỷ lệ cấp đổi thẻ khá cao. Trong đó, việc cấp đổi thẻ HDV tiếng Pháp có thuận lợi hơn khi Tổng cục Du lịch chấp thuận đặc cách cho HDV có 10 năm kinh nghiệm và tốt nghiệp phổ thông trung học trước năm 1975 về tiếng Pháp được đổi thẻ. Tuy nhiên, đối với HDV tiếng Hoa, tỷ lệ cấp thẻ còn khá thấp vì không đáp ứng đủ điều kiện tốt nghiệp đại học do Tổng cục Du lịch đưa ra.

Ngoài ra, HDV phục vụ thị trường khách du lịch ngoại ngữ hiếm như Nhật, Đức, Tây Ban Nha,… cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cấp đổi thẻ. Phần lớn HDV các ngoại ngữ hiếm này bị vướng ở điều kiện phải có bằng đại học và chứng nhận đạt được trình độ ngoại ngữ. Thực tế, phần lớn HDV này là công nhân, kỹ thuật viên đã từng lao động, học tập ở nước ngoài, sau khi về nước tham gia làm HDV. Số HDV được đào tạo chính quy, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ tiếng Nhật, Hàn, Đức làm HDV du lịch rất ít. Đối với các loại ngoại ngữ thuộc loại khan hiếm khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Ảrập… cũng rơi vào cảnh tương tự.

Việc cấp thẻ cho HDV nội địa cũng gặp vướng mắc ở chỗ không thống nhất trong danh mục, tên gọi ngành học trong văn bằng chứng nhận tốt nghiệp chuyên ngành HDV do các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cấp. Qua đây, Tổng cục Du lịch cần làm việc với Bộ Giáo dục - Đào tạo để thống nhất chương trình dạy và bằng cấp của ngành du lịch sau này.

Nguy cơ thiếu hướng dẫn viên

Hiện nay cả nước có khoảng 10.000 HDV, trong đó có khoảng 6.000 HDV quốc tế và 4.000 HDV nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế con số này cao hơn nhiều. Tại TPHCM, một trung tâm du lịch lớn của cả nước, nhu cầu HDV cho ngành du lịch còn nhiều. Theo các doanh nghiệp du lịch, so với thực tế hiện nay, lực lượng HDV cung ứng cho ngành du lịch TP vẫn còn thiếu.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên TPHCM bày tỏ, theo quan điểm cá nhân ông, HDV chỉ là một cái nghề, không nên đòi hỏi tiêu chuẩn quá cao. Chúng ta không nên phân biệt HDV nội địa và quốc tế, mà phải thống nhất tiêu chí chung. Sự khác biệt giữa HDV quốc tế và nội địa là trình độ ngoại ngữ. Tiêu chuẩn HDV nội địa phải có bằng trung cấp chuyên nghiệp, học 3 tháng nghiệp vụ và HDV quốc tế có bằng đại học, qua 1 tháng nghiệp vụ như hiện nay không sát với thực tế. Tiêu chí tốt nghiệp đại học chỉ nên dùng cho cán bộ quản lý trong doanh nghiệp du lịch. HDV quốc tế có trình độ ngoại ngữ và nghiệp vụ du lịch là đủ. Việc cấp đổi thẻ lần này có bổ sung nhiều tiêu chí, HDV không thể bổ sung trong thời gian ngắn được, cần phải có thêm thời gian, ngay cả tiêu chuẩn có bằng đại học cũng phải cần 4-5 năm mới có thể đáp ứng được điều kiện đưa ra.

Những bất cập này đang gây hoang mang cho HDV, ít nhiều có tác động đến tâm lý, ảnh hưởng đến du khách. Nếu TCDL không có hướng tháo gỡ kịp thời và vẫn thực hiện theo đúng quy định đưa ra thì chắc chắn sẽ không đủ HDV phục vụ cho khách quốc tế lẫn nội địa.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục