1. Trong bài Cảm ơn ông Kẹ đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng cách đây 3 tháng, sau đó in trong tập sách Thương nhớ Trà Long, tôi có viết một đoạn về tấm lòng người mẹ: “Trong đa số các trường hợp, mẹ tôi thường đồng lõa với tôi trong việc giấu giếm tội trạng của con cái, hoặc nếu không thể không kể ra (vì ba tôi không bao giờ tin một đứa tinh nghịch như tôi lại không mắc phải một lỗi lầm nào trong suốt một tuần lễ) thì bà cố tình giảm nhẹ bằng cách chỉ kể những lỗi lầm nhỏ nhặt của tôi, chẳng hạn như quên rửa tay trước khi ăn hoặc quên rửa chân trước khi đi ngủ”.
Đoạn văn đó, tôi viết một cách bình thường, coi như kể một câu chuyện đương nhiên, không ngờ chi tiết “rửa chân trước khi đi ngủ” khiến không ít người thắc mắc.
Trẻ chơi nhảy cao. Ảnh: H.C.
2. “Rửa tay trước khi ăn” thì ai cũng biết, vì đó là bài học vệ sinh thường thức chúng ta được học từ nhỏ. Còn “rửa chân trước khi đi ngủ” đối với nhiều người, đặc biệt những người sinh ra và lớn lên ở thành phố, là chuyện khá lạ. Càng lạ lẫm hơn nữa khi chuyện đó trở thành một thứ quy tắc dành cho trẻ em, nếu không tuân thủ sẽ bị người lớn phạt.
Thực ra, có gì đâu: Trẻ em thôn quê, đặc biệt ở độ tuổi tiểu học, rất thích chạy nhảy chân trần. Giờ ra chơi, con trai chơi đá bóng, chơi u, chơi cướp cờ, chia phe đánh nhau, vật nhau, con gái chơi nhảy lò cò, nhảy dây - chơi những trò này tất nhiên chẳng đứa nào mang giày dép. “Giày dép” là nói cho văn hoa, chứ thời tôi còn nhỏ, học trò tiểu học chẳng bao giờ mang giày, chỉ toàn mang dép. Có đứa còn đi chân đất tới trường. Giày hoặc xăng-đan, lên trung học mới được nhà trường đưa vào quy định, cùng với quầy tây xanh áo sơ mi trắng. (Đây là đồng phục của nam sinh. Nữ sinh có thể đi guốc, chỉ áo dài trắng là bắt buộc).
Cảnh trường tiểu học lúc đó bao giờ cũng như thế này: Trống ra chơi vừa vang lên “tùng, tùng” là đứa nào đứa nấy tuột dép vứt dưới gầm bàn, phóng ra sân. Hết giờ chơi, vào lớp mới xỏ dép trở lại. Có khi vào lớp, thấy dép chỉ còn một chiếc, có khi chẳng còn chiếc nào. Mất dép không phải do trộm cắp vặt, chẳng qua có đứa nào đó nghịch ngợm hoặc không ưa mình (vì mình không cho nó chấm mực chung hoặc... mút cà rem chung chẳng hạn), nó nhặt dép liệng đi đâu đó ngoài bờ rào cho bõ ghét. Trong tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua, tôi có miêu tả nhân vật Lợi sứt: “Lợi sứt là thằng “trùm sò” nổi tiếng trong lớp tôi. Lúc nào nó cũng nghĩ đến chuyện “thu vén cá nhân”. Đứa nào nhờ chuyện gì nó cũng làm nhưng phải trả công nó đàng hoàng. Nó ra giá nghiêm chỉnh. Chép bài giùm là hai viên bi. Giữ dép trong giờ chơi thì một viên. Lợi sứt làm giàu bằng cách đó”. Sở dĩ chuyện giữ dép cho bạn bè trở thành một “nghề” béo bở chính vì thói quen chạy nhảy chân trần của trẻ em thôn quê.
3. Có người sẽ nói: Nhưng đó là chuyện ở trường ở lớp, về nhà đâu có vậy? Xin thưa: Về nhà còn hơn vậy! Nhà ở thành phố sàn tráng xi măng hay lót gạch hoa, ít bụi bặm, nếu thường xuyên chùi rửa sàn còn bóng hơn gương. Nhà ở thôn quê thời xưa hầu hết đắp nền bằng đất, dẫu nền tráng xi-măng thì trẻ em cũng hăng hái tha đất cát vào nhà, “tráng” thêm một lớp nữa.
Vì trẻ em lúc nào cũng đông bạn bè. Ở trường thì chơi với bạn học. Về nhà thì chơi với bạn trong xóm. (Ở thôn quê, bạn học và bạn trong xóm thường là một). Về nhà, trẻ em thôn quê chơi gì? Cũng chơi những trò chơi y như ở trên trường. Lại chơi đá bóng, chơi u, chơi cướp cờ, chia phe đánh vật, nhảy lò cò, nhảy dây. Lại bỏ dép ra khỏi chân. Có khi thêm những trò khác: Chơi trốn tìm, chơi rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba, đánh trận giả. Thì cũng là những trò phải đi chân đất chơi mới “đã”, mới khoái!
4. Tóm lại, trẻ em thôn quê thường chơi những trò chơi ngoài trời, trò chơi vận động. Đã là “vận động” thì không thể để giày dép làm chân cẳng vướng víu khi “vận động”.
Trẻ em thành phố ngoài những trò chơi trong nhà, tất nhiên cũng chơi đá bóng, đá cầu... Nhưng chơi xong, rửa ráy sạch sẽ, xỏ giày xỏ dép, về tới nhà là đâu đó tinh tươm, đi ngủ khỏi cần... rửa chân. Trẻ em thôn quê lại khác: ăn cơm tối xong (nhất là những đêm có trăng) là tót ra sân, ra đường, ra bãi cỏ chơi (có khi vứt dép ngay từ trong nhà). Bữa nào có học bài, làm bài thì cố học cố làm cho lẹ để chạy ra chơi cùng lũ bạn quyến rũ đang gọi í ới ngoài kia. Nhiều bữa ham chơi quá, làm bài chưa xong học bài chưa thuộc cũng bỏ mặc, cứ chạy ra chơi trước đã, bụng tự trấn an “Lát vào làm” hoặc “Sáng mai dậy sớm học tiếp”.
Chơi đã, người mệt đứ đừ (trò chơi vận động mà), nhiều đứa chạy về tới nhà là tót lên giường lên phản ngáy khò khò. Đứa nào siêng thì đập đập hai bàn chân vào nhau cho rơi bớt đất cát trước khi chui vô mền.
Theo cung cách “hoang dã” đó, chừng một tuần thì giường chiếu, mền gối dơ hầy, xám xịt, đen thui, đất bám cả lớp. Hồi tôi còn nhỏ, tôi nhớ mỗi khi gom mền chiếu đi giặt, mẹ tôi hay nói: “Giường ngủ của tụi bây tao thấy đủ đất để trồng rau rồi đó”.
Chính vì xác định rau là thứ trồng ngoài vườn thích hợp hơn là trong nhà, nhất là trên giường trên chiếu nên người lớn ở quê tôi bắt trẻ con phải “rửa chân trước khi đi ngủ” chứ có gì đâu!
NGUYỄN NHẬT ÁNH