Câu cá dưới đường dây điện cao thế: Giỡn mặt thần chết

Mỗi chiều, ở bên kia cầu Sài Gòn (TPHCM), dọc theo đường song hành với xa lộ Hà Nội, có nhiều người liều mạng đến câu cá ngay dưới đường dây điện cao thế. Hình như họ… không sợ chết!
Câu cá dưới đường dây điện cao thế: Giỡn mặt thần chết

Mỗi chiều, ở bên kia cầu Sài Gòn (TPHCM), dọc theo đường song hành với xa lộ Hà Nội, có nhiều người liều mạng đến câu cá ngay dưới đường dây điện cao thế. Hình như họ… không sợ chết!

Cấm mặc cấm

Chưa ai quên vụ một thanh niên đến câu cá tại đây đã bị phóng điện tử vong mới cách nay tròn 3 tháng. Vào chiều ngày 13-3, anh Nguyễn Hữu Đức (ngụ tại phường Bình An, quận 2) cùng 2 thanh niên khác đến câu cá giữa khoảng trụ số 16 và 17 của đường dây điện cao thế Thủ Đức - Vikimco - Xa lộ, bất chấp biển cảnh báo “Nguy hiểm chết người, không câu cá”. Câu hụt cá, anh Đức kéo dây câu thì lại vướng vào lục bình nên giật mạnh cần câu máy lên, va vào đường dây bên trên. Một tia lửa điện đã phóng vào người anh, gây phỏng nặng. Sau 10 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Đức đã chết do nhiễm trùng máu. Đây là một biến chứng nguy hiểm thường xảy ra với những trường hợp bị bỏng sâu hoặc bỏng diện tích rộng. Vụ tai nạn điện này còn làm hỏng tuyến dây, gây mất điện khu vực quận 1, Bình Thạnh và Thủ Đức. Thế nhưng, ngay sau vụ tai nạn chết người này nhiều người khác vẫn thản nhiên đến đây buông câu, giỡn mặt thần chết. Công ty Lưới điện cao thế đã kết hợp với công an phường tổ chức đẩy đuổi nhưng vừa đi khỏi thì những người câu cá lại tụ tập câu tiếp, đến mức công ty phải cắt cử hẳn 2 công nhân chiều nào cũng trực gác tại đây, nhưng vẫn không ngăn được việc câu cá ngay dưới đường dây điện cao thế.

Dù có biển cảnh báo, nhiều người vẫn liều mạng câu cá ngay dưới đường dây điện cao thế ở xa lộ Hà Nội (quận 2, TPHCM).

Ngoài ra, đường dây điện cao thế còn có nguy cơ xảy ra sự cố vì sự bất cẩn của những người thi công các công trình xây dựng. Thế nên hễ có công trình khởi công xây dựng gần đường dây cao thế là Công ty Lưới điện cao thế phải lập tức đến làm biên bản nhắc nhở và gắn biển cảnh báo. Vậy mà cũng không tránh khỏi xảy ra tai nạn. Vào ngày 14-12-2013, tại một công trình xây dựng nhà dân dụng ở phường 4 quận 8, trong lúc đưa các thanh sắt lên để hàn ban công, các thợ sắt đã làm va vào đường dây cao thế, gây phóng điện, làm 2 người bị thương phải đưa đi cấp cứu.

Giải pháp tránh tai nạn

Ông Bùi Hải Thành, Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế, đưa chúng tôi xem một xấp hồ sơ dày cả gang tay, toàn các văn bản, tài liệu gửi các cơ quan và các quận - huyện liên quan về việc cảnh báo tai nạn do xâm phạm vào đường dây điện cao thế, rồi lắc đầu than: “Có biển cảnh báo nguy hiểm, có biển cấm câu cá, có người trực nhắc nhở nhưng vẫn còn nhiều người thiếu ý thức chấp hành về giữ an toàn lưới điện, vẫn đến câu. Đối với các công trình xây dựng, nhờ gắn biển cảnh báo nên thời gian qua tai nạn điện đã giảm đáng kể. Mỗi năm công ty phải tốn một khoản kinh phí không nhỏ để làm hơn 300 tấm biển cảnh báo như vậy. Nhờ có gắn biển nên thợ xây dựng có cẩn thận khi thi công, tuy nhiên các thợ sắt cứ bất cẩn khi vác sắt vào. Chủ nhà, chủ thầu không có mặt để nhắc nhở, nên vẫn xảy ra tai nạn phóng điện mà nạn nhân thường là thợ sắt. Sau các vụ tai nạn phóng điện, đã có ý kiến đề nghị chúng tôi tăng mức độ cảnh báo bằng cách in và công bố hình ảnh các nạn nhân bị phóng điện (tất nhiên là giấu mặt) để nhắc nhở răn đe thật ấn tượng cho những người câu cá, xây dựng ngay dưới đường điện cao, nhưng hình ảnh quá kinh khiếp, dễ gây phản cảm nên công ty không thể cho niêm yết”.

Quan tâm tuyên truyền, cảnh báo nhắc nhở là biện pháp chính để tránh xảy ra tai nạn điện. Đồng thời, Công ty Lưới điện cao thế cũng triển khai giải pháp an toàn hơn, căn cơ hơn, là nâng độ cao cho các đường dây cao thế. Công ty vừa hoàn tất việc nâng độ cao đường dây Xa lộ - Hỏa Xa từ 17m lên 27m, và sắp tới sẽ tiếp tục nâng độ cao đường dây Thủ Đức - Xa lộ.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục