Cầu vồng kể chuyện miền xa

Khi áp lực của cuộc sống mưu sinh còn nhiều bộn bề, sân chơi đúng nghĩa cho trẻ em ở những địa phương khó khăn gần như bị bỏ quên sau những lo toan cuộc sống. Thấu hiểu nỗi niềm của tuổi thơ, nhóm bạn trẻ thực hiện sân chơi cho trẻ em miền xa với hy vọng lan tỏa một nguồn năng lực tích cực.
Thôn Ma Bó - nơi nhóm Sân chơi Cầu vồng thực hiện dự án sân chơi cộng đồng cho trẻ em
Thôn Ma Bó - nơi nhóm Sân chơi Cầu vồng thực hiện dự án sân chơi cộng đồng cho trẻ em

Ươm mầm hạnh phúc

Trong lời giới thiệu trên Fanpage, dự án “Sân chơi Cầu vồng” nhằm tạo sân chơi cộng đồng cho trẻ em ở vùng khó khăn, vùng cao. Mục tiêu dài hạn là kiến tạo sân chơi không rào cản cho trẻ em yếu thế, khuyết tật.

Nói về lý do bắt đầu Sân chơi Cầu vồng, Dương Thị Thảo (người sáng lập dự án) bày tỏ: “Ước mơ của tôi là các bạn nhỏ được lớn lên hạnh phúc, và sân chơi cho các em chính là yếu tố có thể giúp nhân niềm vui lên nhiều lần. Ngày tôi 5 tuổi, vì chơi ở ngoài đường mà đứa bạn thân bị gãy tay do xe tông trúng. Điều đó rất khó quên. Năm tôi 20 tuổi, làm nhân viên gác trạm trò chơi ở công viên và khu giải trí cho trẻ em, tôi thấy một bé trai khóc vì bị mẹ đánh đòn, nhưng vẫn không ngừng xin mẹ cho chơi trò đu ngựa… Những điều đó càng thôi thúc tôi nhiều hơn trong việc thực hiện dự án sân chơi cho các em nhỏ ở địa phương xa, còn nhiều khó khăn”.

Để thực hiện dự án sân chơi cộng đồng cho trẻ em không phải là điều dễ dàng, bởi ngoài địa điểm thì còn đòi hỏi các thiết kế phù hợp với trẻ và đảm bảo độ an toàn. Nhưng thử thách lớn hơn hết với nhóm bạn trẻ chính là những thắc mắc của mọi người xung quanh.

“Năm 24 tuổi, tôi gần như bế tắc trong việc tìm kiếm các tiêu chuẩn an toàn khi thiết kế sân chơi cho thiếu nhi. Năm 27 tuổi, tôi tìm đến công ty tư vấn, thiết kế sân chơi ngoài trời cho trẻ em để tìm kiếm và học hỏi kinh nghiệm thực hiện. Lúc này, bạn bè xung quanh nửa đùa nửa thật, thường nói: “Sao chúng mày không lo cho bản thân trước đi, suốt ngày làm mấy việc linh tinh?”. Cả nhóm chỉ nhìn nhau cười cho qua, biết sao được, có lẽ việc hỗ trợ các học sinh vùng khó khăn chính là tình yêu cuộc sống của nhóm chúng mình”, Thảo kể.

Các thành viên của Sân chơi Cầu vồng thành lập nhóm vào năm 2021. Dự định sắp tới, Sân chơi Cầu vồng sẽ quay lại TPHCM để kiến tạo sân chơi “Hòa nhập”.

Kiến tạo không gian vui chơi

 Dự án Sân chơi Cầu vồng có 2 hoạt động chính: “Chơi thể chất” và “Chơi tư duy”. “Mục đích của Sân chơi Cầu vồng không chỉ là lắp đặt thiết bị vui chơi, mà hoạt động chính của nhóm là kiến tạo không gian gồm các trò chơi, nơi tổ chức trò chơi và nơi để thảo luận, học nhóm”, Thảo phân tích.

Sau hơn 2 tháng lên ý tưởng, khảo sát tình hình địa phương và lên kế hoạch chuẩn bị, dự án “Sân chơi Cầu vồng” hoàn thành bước đi đầu tiên và bắt đầu triển khai thực tế vào ngày 28-5-2022. Phân hiệu Trường Tiểu học Chơ Ré, thuộc thôn Ma Bó, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, là địa điểm của Sân chơi Cầu vồng. Thảo kể: “Cả nhóm may mắn được nhiều tình nguyện viên hỗ trợ, có 7 thành viên chính của dự án và hơn 50 tình nguyện viên”.

Chọn thôn Ma Bó vì Thảo và các thành viên của Sân chơi Cầu vồng có bạn sinh sống tại đây, hỗ trợ nhóm về khảo sát thực địa. Nhưng hơn hết là niềm mong muốn một sân chơi đúng nghĩa cho các em nhỏ nơi này, bởi phân hiệu trường với 5 khối lớp, có khoảng 150 học sinh, chủ yếu là đồng bào Churu. Không gian rộng nhưng phần lớn là nền đất, các phòng học đã xuống cấp thì chuyện sân chơi cho các em còn quá xa.

“Với điểm trường Chơ Ré, dự án Sân chơi Cầu vồng mong muốn giúp các em có một không gian vui chơi và thêm yêu quý trường học. Đây là nơi nuôi dưỡng và gieo trồng những nụ cười hồn nhiên trẻ thơ. Thôn Ma Bó được bao quanh bởi khung cảnh núi rừng với cư dân hầu hết là người dân tộc Churu. Họ rất thân thiện, nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ người dân ghé thăm thôn bản. Các em nhỏ ở đây cũng gặp khá nhiều khó khăn trong hành trình tìm đến con chữ. Việc đi lại đã khó, muốn có một trải nghiệm học tập tốt lại càng khó khăn hơn nhiều. Có lẽ vì vậy mà nhiều em chọn đi làm thuê thay vì học tiếp lên trung học phổ thông hay đại học”, Thảo chia sẻ thêm.

Một sân chơi an toàn và đẹp đẽ là điều cần thiết cho tuổi thơ của mọi đứa trẻ. Dự án cộng đồng của người trẻ hẳn sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng với những gì tốt đẹp và trong trẻo mà họ dành cho các em nhỏ, xứng đáng để chúng ta đặt niềm tin. Thảo bày tỏ: “Tụi mình tin rằng mọi đứa trẻ đều xứng đáng có một tuổi thơ thật đẹp, và với những đứa trẻ ở Ma Bó hay những vùng quê khác, sân chơi có thể sẽ là một điều kỳ diệu xuất hiện trong tuổi thơ của các em. Tụi mình đang đi từng bước rất nhỏ, trong một nỗ lực lớn để tạo ra một vài điều kỳ diệu như thế”… 

Tin cùng chuyên mục