“Cay” vì ớt

Giá ớt quả nhỏ (ớt chỉ thiên) từ 40.000 - 50.000 đồng/kg năm ngoái, tụt xuống còn 8.000 đồng/kg; giá ớt quả to năm ngoái trên 20.000 đồng/kg, nay chỉ còn 2.000 đồng/kg.
Những ngày này, nông dân ở Bình Định, Quảng Ngãi hết sức lo lắng vì giá ớt tụt dốc thảm hại so với cùng kỳ chính vụ năm ngoái. Giá ớt tụt giảm thảm hại khiến nông dân ngán ngẩm, không muốn canh tác tiếp. 
Giá quá bèo
Người trồng ớt ở huyện Phù Mỹ (thủ phủ ớt của tỉnh Bình Định) những ngày qua hết sức hoang mang vì giá ớt liên tục “tụt dốc”. Đầu vụ (giữa tháng 3-2017) giá ớt dao động 10.000 - 15.000 đồng/kg, đến nay giảm còn 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Ở vụ mùa năm trước, ớt được giá nên người dân ở huyện Phù Mỹ đổ xô trồng ớt. Nhưng đến vụ chính năm nay, người dân lại “ngã ngửa” vì ớt rớt giá đến chóng mặt.
Nhiều tháng trời đầu tư tiền của, công sức chăm bón, nhưng thu về với cái giá không bằng nửa gói mì tôm nên nhiều người ngán ngẩm bỏ mặc cho ớt chín rụng đỏ cả cội hoặc đem phơi khô cất giữ, đợi giá lên mới bán; số khác nhổ bỏ để chuyển đổi trồng loại cây khác như lạc, đậu xanh, rau…
 “Cay” vì ớt ảnh 1 Giá ớt chỉ thiên từ đỉnh điểm 50.000 đồng/kg rớt xuống còn 8.000 đồng/kg khiến người dân hoang mang. Ảnh: NGỌC OAI
Những năm trước, lão nông Trần Tài (68 tuổi, thôn Thượng An, xã Mỹ Chánh, Phù Mỹ) luôn dẫn đầu huyện về việc trồng ớt, sau khi trừ chi phí thu về gần 150 triệu đồng/năm. Ông đã chuyển tất cả đất sang trồng ớt, đầu tư bài bản để chuyên canh, chờ đợi vụ mùa bội thu. Thế nhưng đến lúc ớt trở màu chín đỏ thì giá giảm làm ông vỡ mộng: “Với giá như hiện nay, tôi bỏ ớt luôn ngoài đồng, tiền bán không đủ thuê nhân công hái”.
Bà Đoàn Thị Sen (người trồng ớt lâu năm ở xã Mỹ Chánh) than: “Năm trước tôi thu về 50 triệu đồng/vụ, có lúc còn được 70 - 80 triệu đồng, đã trừ chi phí. Năm nay đầu tư chưa tính công là 18 triệu đồng nhưng chỉ thu về được 10 triệu đồng…”.
Vùng chuyên canh cây ớt huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng đang bước chính vụ, tuy nhiên giá cả tụt giảm khiến hàng ngàn hộ nông dân thất thu nặng. Hàng ngàn tấn ớt đang chất đống ở nhà dân hoặc bỏ chín rụng ngoài đồng. 
Cần mở rộng thị trường
Theo một số thương lái ở huyện Phù Mỹ (Bình Định), do thị trường tiêu thụ ớt chủ yếu là nội địa và lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên không thể kiểm soát được giá cả. Hơn nữa, do bắt đầu vào thời vụ trễ nên khi ớt chín thì thị trường Trung Quốc “no” ớt, không có nhu cầu tiêu thụ nữa. “Ngay cả những thương lái như chúng tôi nhiều phen còn bị họ trở kèo, phá hợp đồng phải chịu lỗ chứ nói gì tới người trồng…”, anh Phạm Đức Huy, một thương lái chuyên thu mua ớt ở xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), cho hay.
Ông Hồ Minh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết: Từ đầu mùa vụ, chúng tôi đã đặt vấn đề với Công ty TNHH Thuận Phát. Họ đã hứa hợp đồng với giá 10.000 đồng/kg, nhưng do giá ớt thị trường rớt mạnh quá, họ không thể bảo đảm được mức giá đó nữa.
Nguyên nhân chủ yếu là giá ớt những năm trước rất cao nên người dân ồ ạt chuyển sang trồng ớt, khiến cho cung vượt cầu. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng kêu gọi Công ty Thuận Phát tìm đầu ra ở thị trường các nước khác, để không phụ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nên trồng ớt theo kiểu phong trào, mà canh tác thêm các loại nông sản khác để phòng ngừa tình trạng “được mùa mất giá”.
Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ (Bình Định), nói: “Theo tôi, nguyên nhân chính là do mình không có hợp đồng chính ngạch với các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, nên việc tiêu thụ không ổn định, thụ động. Trước mắt, chúng tôi động viên bà con ổn định tâm lý, cố gắng vượt qua khó khăn; đồng thời kêu gọi hỗ trợ những hộ dân thua lỗ nặng” 

Tin cùng chuyên mục