Trên vỉa hè các con đường ở TPHCM có trồng nhiều cây xanh, trong số đó có nhiều cây cổ thụ có giá trị cao về cảnh quan và môi trường đô thị. Thế nhưng thời gian gần đây, không ít cây xanh bị chết bất thường, rất đáng ngờ.
Bức tử cây xanh
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, ông Vũ Tấn Minh (ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) cho hay, một loạt 6 cây me tây trên đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) bỗng dưng bị trụi lá, có dấu hiệu chết do bị cố ý xâm hại. Nhiều người dân cũng phản ánh về những cây xanh ở các tuyến đường khác cũng bị chết đột ngột như vậy. Cây dầu cổ thụ mã số 79 trên đường 3 Tháng 2 (phường 11, quận 10) vừa bị chết. Cư dân gần đấy cho biết, năm trước cây dầu này bỗng dưng bị rụng trụi hết lá, cành khô gãy rơi xuống gây nguy hiểm cho người đi đường. Sau khi được đơn vị quản lý cây xanh tỉa hết cành, một thời gian cây đã ra nhánh mới, nhưng lại bị một nhóm thanh niên leo lên bẻ xuống, rồi từ đó trở đi không biết họ có làm gì không mà cây chết hẳn.
Tương tự, một cây dầu cổ thụ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai bị chết vừa bị cưa. Cách đó không xa, một cây dầu cổ thụ trên đường Tôn Thất Tùng cũng bỗng dưng chết cùng với thời điểm một tòa nhà vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bà Phan Kiều Thu (cư dân gần đó) bức xúc: “Cả hàng cây thẳng tắp, to đẹp đều xanh tốt, bỗng nhiên cây ở trước tòa nhà đó bị chết, không thể không nghi vấn nguyên do cây chết. Công ty Cây xanh đã bứng gốc và trồng lại cây con thay vào, nhưng xót xa quá, mất cả năm bảy chục năm mới có được một cây cổ thụ to như vậy, mà lại có người vì lợi ích riêng sẵn sàng bức tử cây xanh. Nếu không tìm ra nguyên nhân và có hình phạt thích đáng thì cứ cao ốc nào mới mọc lên lại có vài cây xanh phải ra đi cho thông thoáng mặt tiền, thì chẳng mấy năm nữa thành phố hết cổ thụ”.
Trước đó, người dân phường 2 quận 5 cũng đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương và yêu cầu làm rõ lý do cây dầu cổ thụ mã số 400 trên đường Trần Hưng Đạo đang xanh tốt bỗng nhiên bị chết. Ngoài ra, cây sọ khỉ trên đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú), hai cây dầu cổ thụ trên đường Hòa Hảo (quận 11) cũng bị chết, người dân nghi do bị xâm hại.
Một loạt 6 cây me tây trên đường Trường Sơn bỗng dưng bị trụi lá, khô cành
Chưa xử lý được trường hợp nào
Trả lời PV Báo SGGP về kết luận nguyên nhân nhiều cây xanh bị chết, ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh (thuộc Sở GTVT TPHCM), cho biết: “Hiện Sở GTVT TPHCM đang quản lý 130.000 cây xanh các loại, trong đó có trên 5.500 cổ thụ, tập trung tại các quận trung tâm, nội thành. Qua công tác kiểm tra, các trường hợp cây chết do già cỗi, sâu bệnh hoặc sam bọng, cong nghiêng gây nguy hiểm, đều được chủ động đốn hạ, thay thế theo kế hoạch hàng năm. Trường hợp có dấu hiệu gây nguy hiểm, sẽ lập biên bản tại hiện trường để đốn hạ ngay mà không phải chờ giấy phép.
Về việc trong thời gian qua có những cây xanh đột ngột chết, cũng có nhiều nguyên nhân. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài như năm nay, mạch nước ngầm sụt giảm, đã ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng và phát triển của cây xanh đô thị. Việc thi công cải tạo vỉa hè, đường cấp - thoát nước, cáp truyền thông, dây điện ngầm làm ảnh hưởng đến hệ rễ, gây nguy cơ tiềm ẩn, làm cây xanh dễ ngã đổ khi mưa bão. Bên cạnh đó, gần đây tình trạng xâm hại cây xanh đường phố diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, như tự ý đốn hạ trái phép, chặt ngang thân, hoặc sử dụng hóa chất đầu độc cây chết dần để buộc phải đốn hạ... Mới đây, có 4 cây dầu cổ thụ gần nhau trên đường Nguyễn Thị Minh Khai xuống lá đột ngột. Sở GTVT TPHCM cũng ghi nhận trên đường số 3A (phường 8, quận 11) đã xảy ra 2 trường hợp cố ý xâm hại cây xanh bằng cách cắt xung quanh thân cây và cưa gãy phần thân cây bằng lăng”.
Sở GTVT TP đang tăng cường tưới nước, bổ sung phân đất để chăm sóc sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh, đồng thời theo dõi giám sát để có thể nhắc nhở và xử lý kịp thời đối với việc thi công các công trình ngầm làm ảnh hưởng đến rễ cây. Riêng trong việc xử lý đối với hành vi cố tình xâm hại cây xanh, các đơn vị quản lý trực tiếp cây xanh trực thuộc Sở GTVT đều có văn bản gửi đến chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều tra vụ việc, tuy nhiên, hầu như chưa có kết quả điều tra, xử lý từ các địa phương. Trước thực trạng đó, UBND TPHCM vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá hại cây xanh trong thời gian gần đây, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình khu phố tự quản hoặc dân tự quản, để người dân địa phương được biết và cùng tham gia bảo vệ cây xanh. Chỉ khi có sự quyết tâm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ý thức giữ gìn và bảo vệ cây xanh của người dân, thì mới có thể ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cố tình xâm hại cây xanh như hiện nay.
THU HƯỜNG