Chăm lo trẻ em kém may mắn

Dù ngày lễ Giáng sinh đã qua, trong khi Tết Nguyên đán còn hơn một tháng nữa mới đến, nhưng gần 200 trẻ mồ côi, khuyết tật ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TPHCM) vừa được tận hưởng không khí rộn ràng mùa lễ hội và nhận nhiều phần quà động viên. 

Trong trang phục đẹp nhất, các em được nhân viên trung tâm đưa xuống sân tham dự chương trình “Thắp sáng yêu thương, đẩy lùi Covid”. Không ít em hiếu động, chạy hẳn lên khu vực sân khấu. Nhiều em tròn xoe mắt, ồ lên khi nhìn thấy các cô, chú trong trang phục Noel đỏ rực tỏa đi phát quà. 200 phần quà gồm sữa hộp, bánh kẹo, quần áo mới… được trao cho từng em. Các em ôm quà trong tay, quan sát chúng bằng ánh mắt thích thú. Khi chương trình văn nghệ mở màn, nhạc nổi lên, đến cả những đứa trẻ bị bệnh down, gương mặt ngây ngô, vẫn nhún nhảy hết mình theo điệu nhạc sôi động. Nhìn những bước chân run rẩy, những đôi tay loèo khoèo quơ quào theo mỗi tiết mục, chúng tôi cảm nhận các em rất muốn hòa mình với mọi người.

Noel muộn với trẻ em Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp 
Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp đang nuôi dưỡng gần 200 trẻ mồ côi, tàn tật với đủ các chứng bệnh nan y. Trong đó, có 42 em bị bại não, não úng thủy, tim bẩm sinh… chỉ nằm một chỗ, duy trì sự sống bằng tình cảm và sự chăm sóc tận tình của cán bộ, công nhân viên trung tâm. Ngay từ khi chào đời, các em đã bị gia đình bỏ rơi ở bệnh viện, dưới gốc cây, hè phố hay ngay trước cổng trung tâm. Cô Đặng Thị Kim Loan, nhân viên văn phòng trung tâm, cho biết: “Dù đến với trung tâm theo cách nào thì các em vẫn được đón nhận và chăm sóc đến lúc trưởng thành”. Từ trung tâm, nhiều em đã hòa nhập xã hội, được đến trường học văn hóa; một vài em vươn lên đến bậc đại học, không ít em đã lập gia đình. Ngày đầu năm mới, các em đều đưa gia đình trở lại thăm và ăn bữa cơm tân niên với các cô, chú - những người các em yêu thương, trân trọng gọi là cha, là mẹ. Ngoài việc dạy chữ, trung tâm còn tổ chức dạy nghề cho các em lớn. Đều là những nghề đơn giản như thêu tranh chữ thập, làm bông giấy… nhưng đối với những đứa trẻ chậm phát triển, các em đã rất cố gắng và kiên nhẫn mới có thể làm được. “Khó có thể diễn tả niềm vui của mỗi em khi biết khách đến thăm quan tâm và mua sản phẩm do chính các em làm ra. Chúng tôi cũng vui lây với những niềm vui bé nhỏ mà đầy ý nghĩa đó”, cô Loan chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc - người lèo lái hoạt động của trung tâm, luôn chất chứa tâm tư, làm sao để chăm sóc chu đáo nhất, bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ bất hạnh. “Theo quy định, đủ 18 tuổi là các em được hòa nhập cộng đồng, nhưng không vì thế mà chúng tôi không quan tâm nữa. Trẻ lớn lên ở đây, chúng tôi trở thành cha mẹ, trung tâm trở thành mái nhà chung của chúng. Kinh phí theo tiêu chuẩn nhà nước không thể nào đủ cho một đứa trẻ bệnh tật, chưa kể chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo. Nhiều năm qua, chúng tôi đã vận dụng đủ cách, cố gắng thu xếp để các cháu được chăm sóc tốt nhất có thể. Năm qua, chúng tôi đã đưa 6 cháu đi mổ tim bẩm sinh, chi phí khoảng 550 triệu đồng mỗi trường hợp, bảo hiểm y tế chỉ chi trả 30%. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, các cháu rất cần tã giấy và sữa dinh dưỡng. Mọi hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, dù là hiện vật hay hiện kim đều hết sức quý giá đối với trung tâm”.

Đại diện đơn vị tài trợ chương trình, ông Huang Chien Sheng, Phó Giám đốc Ngân hàng First Commercial Bank, chi nhánh TPHCM, không giấu niềm xúc động: “Năm qua, cũng như các doanh nghiệp khác, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng, nhưng không vì lẽ đó mà chúng tôi bỏ qua trách nhiệm cộng đồng. Đến thăm và tặng quà trẻ em mồ côi, bệnh tật ở các trung tâm bảo trợ xã hội là việc làm thường xuyên của Ngân hàng First Commercial. Năm nay, do dịch, chương trình tổ chức hơi muộn, nhưng ý nghĩa thì vẫn vẹn nguyên. Chứng kiến niềm vui trong trẻo của những đứa trẻ thiếu may mắn, tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta sẽ hiểu thêm giá trị của cuộc sống bình thường mà chúng ta đang có”. Ông Sheng đã lặng đi rất lâu khi đón nhận bức tranh thêu chữ thập từ tay em Trần Văn Hùng, một trẻ khuyết tật. Khi tự tay đẩy xe lăn đưa em Hùng trở về vị trí, ông lặng lẽ tháo mắt kính, rút khăn tay lau nhanh khóe mắt mình.

Tin cùng chuyên mục