Kinh nghiệm phát triển giao thông của Singapore, thực tế giao thông tại TPHCM cũng như ý kiến của các chuyên gia, của VAFI… cho thấy, đã đến lúc TPHCM phải cương quyết với việc hạn chế sử dụng xe cá nhân nếu muốn giải quyết tốt vấn nạn ùn tắc giao thông.
Tất nhiên, nghĩ đến việc này thì TPHCM cũng phải nghĩ ngay đến việc nâng chất lượng hoạt động của mạng lưới VTHKCC với một mục tiêu rất cụ thể là từng bước thay thế phương tiện giao thông cá nhân chăm lo tốt cho nhu cầu đi lại chính đáng của người dân.
Trước hết, Sở GTVT TPHCM nên rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của mạng lưới này, quyết tâm xử lý ngay và mạnh mẽ những tồn tại đang làm mất uy tín của ngành. Những vấn đề nào ngoài tầm xử lý của sở thì kiến nghị ngay lên UBND TPHCM để lãnh đạo thành phố xem xét và điều chỉnh kịp thời. Chắc chắn TPHCM khó có thể tiến hành hạn chế sử dụng xe cá nhân khi mà hệ thống VTHKCC còn quá nhiều bất cập. Thế nhưng, điều này cũng không có nghĩa là mọi thứ phải hoàn hảo mới nghĩ đến việc hạn chế xe cá nhân. Vấn đề là Sở GTVT và các cơ quan liên quan phải cho người dân thấy được sự nỗ lực của mình, cái lợi, cái hại khi sử dụng xe cá nhân thì mới kêu gọi được người dân từ bỏ xe cá nhân đến với xe công cộng.
Hiện nay hệ thống VTHKCC TPHCM cơ bản đã vươn tới hầu hết các quận, huyện, thậm chí còn tổ chức được nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh phục vụ cho nhu cầu đi lại của rất nhiều tầng lớp người dân. Hàng năm, UBND TPHCM vẫn chi hàng trăm tỷ đồng trợ giá cho hoạt động của xe buýt nên giá vé xe buýt hiện nay chỉ vào khoảng 3.000-5.000 đồng/vé tùy loại. Đây là mức giá khá phù hợp với khả năng chi trả của người dân thành phố vì nếu so mức giá này với giá vé giữ một chiếc xe máy ở khu vực trung tâm, trong nhiều trường hợp còn rẻ hơn. Với xuất phát điểm như thế không phải là quá khó để chăm lo nhu cầu đi lại cho người dân nếu TPHCM có quyết tâm.
AN NHIÊN
>> Hạn chế xe cá nhân - Việc làm cấp bách