Vụ 100 triệu đồng chạy chức ở Cà Mau

Chậm nhất tháng 5 sẽ có hình thức xử lý Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau

* Sẽ thanh tra các trường hợp cán bộ dự kiến bổ nhiệm ở Cà Mau Hôm qua 24-4, nguồn tin có thẩm quyền từ Ủy ban

Kiểm tra Trung ương cho PV SGGP biết, đoàn cán bộ do Vụ trưởng Vụ 7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Trưởng đoàn, đã công bố quyết định và tiến hành kiểm tra 2 nội dung tại Tỉnh ủy Cà Mau. Đó là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ và việc lãnh đạo các cơ quan tư pháp của Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau. Trong đó có việc làm rõ một số vụ án trọng điểm trên địa bàn mà dư luận quan tâm.

Đặc biệt, đoàn kiểm tra sẽ làm rõ vụ Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Võ Thanh Bình công bố là có người đưa cho gia đình ông 100 triệu đồng để chạy chức. Đoàn đã yêu cầu ông Võ Thanh Bình giải trình rõ vụ việc, trong đó có danh tính người đã đưa 100 triệu đồng chạy chức. “Do đây là việc nhạy cảm liên quan đến công tác cán bộ nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã mời hai đồng chí Phó Vụ trưởng thuộc Ban Tổ chức Trung ương cùng tham gia đoàn kiểm tra. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để làm rõ vụ việc” - nguồn tin của SGGP cho biết.

Theo vị lãnh đạo trên, đoàn được lãnh đạo Ủy ban yêu cầu trong thời gian sớm nhất phải đưa ra kết luận và đề xuất hình thức xử lý đối với ông Võ Thanh Bình. Chậm nhất trong tháng 5 sẽ có hình thức xử lý đối với ông Bình và cán bộ liên quan, nếu có sai phạm. Quan điểm xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật.

Trước đó, đoàn kiểm tra của Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng đã tiến hành kiểm tra, làm rõ 4 nội dung, trong đó có dấu hiệu ông Bình can thiệp một số vụ án gây bất bình trong dư luận, bao che cán bộ vi phạm, mất dân chủ và chạy chức chạy quyền. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra này. Đoàn sẽ làm rõ động cơ vì sao ông Bình ra công văn cho ông Trần Công Lộc, Viện trưởng VKSND tỉnh, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số cá nhân trong vụ án tại Camimex.

Được biết, một báo cáo nhanh về vụ việc ông Võ Thanh Bình nhận, nộp lại tiền chạy chức cũng đã được gửi ra Hà Nội. Nguồn tin của SGGP cho hay, báo cáo đã tường trình rõ trong cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau mới đây (về sắp xếp tổ chức và bố trí nhân sự lãnh đạo các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và phân công cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý), ông Võ Thanh Bình thông báo có một số cán bộ đã chạy chức, đưa tiền cho ông và vợ con ông. Để minh chứng “tôi không nói dóc”, ông Bình đã lấy điện thoại di động gọi lái xe mang 100 triệu đồng của một cán bộ chạy chức và nói, đại ý “đây, tôi đem lại cho các đồng chí coi nè”. Sau đó, ông Bình giao số tiền chạy chức nói trên cho Chánh Văn phòng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Theo ông, chỉ trong 2 tuần qua, nếu ông nhận thì số tiền chạy chức đã hơn một tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Bình không công bố danh tính những người này.

Liên quan đến vụ việc nói trên, sáng qua 24-4, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã làm việc với Thanh tra của cơ quan này để chuẩn bị cho việc thanh tra “chạy chức” tại Tỉnh ủy Cà Mau. Nguồn tin của SGGP cho biết, đầu tuần tới, đoàn cán bộ thanh tra của Bộ Nội vụ sẽ vào Cà Mau làm việc. Tuy Bộ trưởng Nội vụ chưa ký quyết định thanh tra nhưng theo nguồn tin của SGGP, nhiều khả năng Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ tập trung thanh, kiểm tra các đối tượng cán bộ thuộc diện sẽ thay đổi trong đợt sắp xếp cán bộ sắp tới. Đó là những người đứng đầu các sở, ban ngành và cơ quan do Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau trực tiếp quản lý. Nội dung thanh tra sẽ tập trung làm rõ các điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ công chức như có nằm trong quy hoạch cán bộ, có đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm không? Có hay không việc một số trường hợp đã bị kỷ luật nhưng vẫn được đưa vào diện được bổ nhiệm cán bộ đợt này; việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ có thực hiện đúng theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Được biết, trong số các đối tượng dự kiến thanh tra có cán bộ diện sắp xếp, bổ nhiệm ở Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân tỉnh Cà Mau.

Trong động thái liên quan, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương vừa có văn bản yêu cầu Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Cà Mau sớm báo cáo vụ việc nói trên. 

ĐINH THU – LĂNG TIÊU
 

Luật sư Ngô Ngọc Thủy, nguyên Trưởng khoa Tư pháp Trường Đại học Luật Hà Nội:
Có thể chỉ bị xử lý hành chính

Với những thông tin mà báo chí đưa ra thì Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Võ Thanh Bình chưa đủ cấu thành dấu hiệu của tội nhận hối lộ. Vì, sau khi nhận tiền, ông Bình đã giao nộp lại cho tổ chức. Với những trường hợp cán bộ mà ông nói có ý định đưa hơn 1 tỷ đồng để chạy chức cũng chưa đủ yếu tố cấu thành của tội nhận hối lộ. Ông Bình nói vậy nhưng thực tế các cán bộ kia đã đưa cho ông chưa, ông đã đếm tiền chưa hay họ chỉ nói ý định đưa và ông đã từ chối. Với những thông tin ban đầu nói trên, cũng chưa có đủ yếu tố cấu thành của tội đưa hối lộ.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy định của Đảng, Luật Phòng chống tham nhũng và về đạo đức cán bộ, công chức thì ông Bình và người đưa tiền sẽ bị xử lý. Họ đã vi phạm đạo đức của cán bộ, công chức. Sau khi đoàn cán bộ của Đảng kết thúc kiểm tra, ông Bình sẽ bị xử lý về Đảng. Trên cơ sở đó ông Bình và những cán bộ đưa tiền sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính.

Phó GS-TS Luật sư Phạm Hồng Hải,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Đã đủ yếu tố cấu thành của tội đưa hối lộ

Người đưa 100 triệu đồng chạy chức cho Bí thư Tỉnh ủy Võ Thanh Bình đã đủ yếu tố cấu thành của tội đưa hối lộ. Nếu 100 triệu đồng nói trên được giấu trong túi quà thì cần phải xem xét thêm. Nhưng, với thông tin ban đầu như hiện nay là ông Bình khẳng định một cán bộ đã đưa 100 triệu đồng chạy chức, ông biết rõ đó là ai, biết động cơ, mục đích là chạy chức thì đã đủ yếu tố cấu thành để khởi tố điều tra người đưa tiền về hành vi đưa hối lộ. Dĩ nhiên, luật sư chúng tôi có thể “cãi” là vị cán bộ đó cho ông Bình 100 triệu đồng. Thế nhưng, điều đó cũng không thể phủ nhận được thực tế: ông Bình là người đứng đầu Tỉnh ủy Cà Mau, có vai trò quan trọng trong công tác cán bộ nên người đưa tiền cho ông nhằm mục đích không trong sáng. So với thu nhập bình quân hiện nay của người dân thì đây là số tiền khá lớn, không thể “cho” vô tư được.

Với ông Võ Thanh Bình, nếu ông trực tiếp nhận tiền của cán bộ mà không lập biên bản, không báo cáo, giao nộp ngay cho cơ quan có thẩm quyền trong điều kiện có thể thì cũng đã cấu thành của tội nhận hối lộ. Cụ thể ra sao thì cơ quan điều tra phải vào cuộc. Nhưng, với những thông tin mà báo chí đưa như hiện nay thì nhẹ nhất ông Bình cũng bị khiển trách, nặng thì bị xử lý hình sự.


Thông tin liên quan:

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn: 
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau sẽ báo cáo cụ thể vụ việc


- Vụ Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau giao nộp 100 triệu đồng tiền chạy chức : Vẫn chưa rõ vụ việc

Tin cùng chuyên mục